I. HỎI:
Nhà tôi có con bò cái lai đã đẻ 1 lần nhưng đến nay trên 3 tháng rồi mà không thấy động dục trở lại. Xin cho biết bao nhiêu ngày sau khi đẻ bò động dục lại? Cách phát hiện bò động dục và khi nào là thời điểm phối giống tốt nhất? (Phan Công Thạnh – Hoài Nhơn)
ĐÁP:
Bò nhà bác chậm động dục sau khi đẻ do những nguyên nhân sau đây: trước hết có thể là do chế độ chăm sóc nuôi dưỡng để mất cân bằng dinh dưỡng dẫn đến bò mẹ gầy, ốm, hàng ngày bò thiếu cỏ xanh và thiếu một số nguyên tố vi lượng như P, Cu, thiếu các chất khoáng khác làm rối loạn nội tiết dẫn đến rối loạn chu kỳ động dục; do đó cần bổ sung thêm thức ăn xanh, thức ăn tinh cũng như khoáng chất. Một nguyên nhân khác có thể là khi đẻ lứa thứ nhất, khâu vệ sinh ở cơ quan sinh dục (âm hộ, âm đạo, tử cung...) của bò mẹ làm không tốt, sau khi bò đẻ cần xem xét kỹ nhau thai đã ra hết chưa, nếu có viêm nhiễm thì nên thụt rửa tử cung hàng ngày trong vòng một tuần và dùng kháng sinh (thông thường dùng Rivanol 1% từ 1 - 2 lít hoặc dùng Lugol 1% bơm vào tử cung 200 - 300ml, sau 4 - 6 lần thụt rửa bơm vào tử cung dung dịch Penicillin 2 triệu IU, streptomycin 2g, nước cất 200ml.
Sau khi đẻ lứa thứ nhất nếu bò phát triển bình thường, không xảy ra các bệnh sau khi đẻ thì từ 40 - 65 ngày bò động dục lại. Khi động dục bò cái có những biểu hiện như: ăn ít hơn, đi quanh chuồng kêu rống, khi thả ra bãi chăn các con đực đeo bám và nhảy lên lưng, dịch nhờn trong âm đạo chảy ra dính ở âm hộ, lòng thòng... Khi động dục chín mùi, đứng yên cho bò khác nhảy lên lưng hoặc tự bò động dục nhảy lên con khác, âm hộ sưng lớn hơn ngày bình thường. Thời gian động dục của bò khác nhau tùy từng con vì phụ thuộc vào giống, trọng lượng, chế độ chăm sóc, tuổi..., trung bình bò động dục 18 giờ dao động từ 6 - 30 giờ. Thực tế cho thấy có một số bò cái sinh sản biểu hiện động dục không rõ ràng (động dục thầm lặng) khó phát hiện bằng mắt thường nên dễ bỏ lỡ thời điểm phối giống. Biểu hiện chắc chắn để nhận biết bò động dục là đứng yên cho con khác nhảy lên, đó là dấu tốt nhất cho giai đoạn thụ thai của bò cái, nên quan sát kỹ bò khoảng 30 phút một lần và ít nhất là 2 lần/ngày, thời điểm phát hiện bò động dục tốt nhất là sáng sớm và chiều tối.
Tỷ lệ thụ thai cao nhất xảy ra khi bò được phối vào giai đoạn cuối của động dục đứng yên vì việc rụng trứng xảy ra khoảng 12 giờ sau khi kết thúc động dục đứng yên. Khoảng thời gian 12 giờ đầu giúp các tế bào tinh trùng trải qua một quá trình hoàn thiện trước khi trứng rụng. Tỷ lệ thụ thai giảm khi bò cái được phối vài giờ trước hoặc sau khi trứng rụng, và giảm mạnh khi phối sau hơn 12 giờ kể từ khi hết động dục đứng yên. Tốt nhất là cần phối kép cho bò khi đã phát hiện động dục, nếu phát hiện bò động dục vào buổi sáng thì phối giống lần 1 vào chiều cùng ngày và phối lần 2 vào buổi sáng hôm sau. Nếu phát hiện bò động dục vào buổi chiều thì phối lần 1 cho bò vào buổi sáng hôm sau và lần thứ 2 vào buổi chiều cùng ngày.
II. HỎI:
Gia đình tôi có 14 con bò, vừa qua có 1 con đi ăn về tự nhiên thấy bụng cứ phình to rất nhanh. Sau 1 giờ con bò khó thở và lăn ra chết. Xin cho biết bò bị bệnh gì và cách điều trị như thế nào? (Nguyễn Văn Tiến – Vân Canh)
ĐÁP:
Với triệu chứng đã nêu thì bò mắc bệnh chướng hơi dạ cỏ. Đây là căn bệnh thường gặp ở bò vào đầu mùa mưa. Nguyên nhân là vào mùa khô bò chỉ ăn rơm, cỏ khô, thiếu thức ăn xanh nên sức khỏe giảm. Đầu mùa mưa cỏ phát triển, bò ăn nhiều nhưng sức tiêu hóa kém, đặc biệt hệ vi sinh vật trong dạ cỏ chưa thích ứng với các thức ăn khác nên dẫn đến rối loạn hệ thống tiêu hóa gây ra các phản ứng lên men, sinh hơi nhiều gây chướng hơi dạ cỏ. Ngoài ra bò chướng hơi vì mắc một số bệnh khác như: viêm nhiễm ruột, dạ múi khế dẫn đến giảm nhu động dạ cỏ, hơi từ dạ cỏ chậm thoát ra ngoài, bò bị viêm hầu họng không nhai được thức ăn tồn đọng lâu lên men sinh hơi gây ra chướng hơi dạ cỏ. Biểu hiện của bệnh này là bò đang ăn bình thường hay đứng ở chuồng thấy phần hõm hông phía trái căng phồng nhanh, khi gõ có tiếng kêu rõ, ấn tay vào như quả bóng đầy hơi, bò thở khó, thở nhanh, đi lại khó khăn, mắt trợn ngược, nếu không can thiệp kịp thời rất dễ tử vong.
Cách điều trị:
+ Cho uống ngay 1 trong các loại dung dịch sau: dung dịch thuốc tím (1gr/lít nước) uống 3 - 5 lít, nước dưa chua 3 - 5 lít, bia hơi 3 - 5 lít, dùng 100gr muối ăn + 50gr tỏi + 30gr gừng giã nhuyễn và pha vào 2 lít nước cho uống 2 lần cách nhau 2 - 3 giờ.
+ Dùng biện pháp cơ học: lấy tay kéo lưỡi bò ra và sát nước gừng vào lưỡi để gây ợ hơi ra ngoài, dùng tay lấy phân ở hậu môn ra để thông hơi, lấy rơm chà xát ở hông bên trái làm tăng nhu động của dạ cỏ.
+ Tiêm tĩnh mạch MgSO4: 50-60ml/100kg trọng lượng. Tiêm Strychnin B1: 20ml/con.
+ Khi đã dùng tất cả các biện pháp không khỏi, thấy bò vẫn căng hơi có khả năng nguy hiểm (tử vong) thì phải chọc thủng hông trái để cho hơi ra ngoài. Dùng Trocart chọc thẳng vào hõm hông trái nơi căng nhất, khi chọc cho hơi ra từ từ vì nếu cho hơi ra nhanh bò sẽ choáng và chết đột ngột, khi hơi ra hết vẫn để nguyên Trocart tại đó để cho hơi thoát ra đến khi bò khỏi hẳn. Tiêm kháng sinh chống nhiễm trùng dùng: Ampi-Septol 1ml/10kg trọng lượng, Chlotetradexa 10ml/100kg trọng lượng hoặc Gentamycin 1ml/10kg trọng lượng.
Bệnh chướng hơi dạ cỏ xảy ra nhiều vào đầu mùa mưa, vì vậy khi bò ăn nhiều cỏ non nên trộn thêm ít rơm khô. Để tránh rối loạn tiêu hoá gây lên men sinh hơi: bò mới đẻ có chế độ ăn từ thấp đến cao, không cho bê nhỏ bú sữa bò mẹ bị viêm vú, sữa vắt ra cho bê uống ngay không để lâu.
III. HỎI:
Tôi muốn trồng cỏ voi để làm thức ăn cho bò, hãy tư vấn giúp tôi kỹ thuật trồng và chăm sóc cỏ voi như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. (Hồ Thanh Tân – Phù Mỹ)
ĐÁP:
Cỏ voi là loại cỏ thân đứng có lóng như lóng mía, sinh trưởng nhanh, năng suất cao, chất lượng tốt. Cỏ trồng để cung cấp chất xanh cho bò ăn tại chuồng và ủ chua làm thức ăn dự trữ trong mùa mưa lụt. Khả năng sản xuất hạt của cỏ voi rất kém cho nên nhân giống chủ yếu bằng phương pháp vô tính (hom, thân cắt).
* Bước 1: chuẩn bị đất, phân bón, thời vụ trồng và yêu cầu giống.
- Cỏ voidễ trồng, thường lúc nào có mưa là trồng được, nhưng tốt nhất là trồng vào giai đoạn đầu mùa mưa.Tại Bình Định trồng khoảng tháng 7 – tháng 8. Nếu chủ động được nước tưới cho cỏ thì có thể trồng quanh năm.
- Đất trồng cỏ voi tốt nhất ở loại đất thấp có độ ẩm cao hơn một số cây cỏ trồng khác, có tầng canh tác dày, tơi xốp và hàm lượng mùn cao, pH=6-7 là tốt nhất. Cày vỡ đất ở độ sâu 20 cm, sau đó bừa và cày đảo (cày 2 lần), làm sạch cỏ dại và san phẳng đất, trên đất bằng nên lên luống, trên đất dốc: trồng theo đường đồng mức hoặc trồng theo hốc.
- Hom giống có độ dài khoảng 50-60 cm bao gồm 3-5 mắt mầm. Lượng giống trồng cho một sào (500m2) khoảng 150-175kg hom giống.
- Phân bón: bón lót phân chuồng hoai mục 500kg/sào, nếu trồng thâm canh bón 1000kg/sào; NPK 10kg/sào, bón theo hàng rạch, nếu không có phân chuồng thì thay bằng phân NPK, phân bón phải được trộn đều dưới đáy hốc để tăng khả năng đẻ nhánh. Bón thúc khi cây cao được 10cm và sau mỗi lứa cắt, dùng 0,5kg/sào phân urê + 0,2kg Kali trộn đều và bón vào giữa hàng.
* Bước 2: trồng cỏ:
Đất sau khi rạch hàng theo qui cách và bón lót các loại phân theo qui định, hom giống được đặt theo lòng rãnh tại độ sâu ít nhất là 15 cm so với bề mặt đất và đầu hom sau đặt kế tiếp vào đuôi của hom trước. Sau đó lấp kín hom giống bằng một lớp đất dày khoảng 7.5 cm, san phẳng bề mặt rãnh trồng và dần lấp đầy rãnh khi cây sinh trưởng.
* Bước 3: chăm sóc cỏ:
Là cây ngày ngắn, sinh trưởng rất khoẻ. Mặc dù cỏ voi có thể chịu được ánh sáng tán xạ (trồng dưới bóng thưa của một số tàn cây, trồng trong vườn…). Nhưng khả năng cho năng suất cao hơn vẫn là trồng ngoài ánh sáng trực xạ. Sau khi trồng 10-15 ngày cần kiểm tra tỷ lệ nảy mầm (số mầm nhô lên khỏi mặt đất) để kịp thời trồng dặm lại những diện tích cỏ không mọc hoặc bị chết. Dùng cuốc làm cỏ, phá váng (tránh không va chạm vào thân hom giống đã trồng). Bón thúc cho cỏ khoảng 0,5kg phân Urê/ sào khi cỏ trồng được 25-30 ngày tuổi.
* Bước 4: thu hoạch và sử dụng:
Thu hoạch lứa đầu thảm cỏ voi tốt nhất là ở giai đoạn 70-80 ngày tuổi (cây có thân cứng, không thu cắt non lứa đầu). Các lứa cắt tái sinh cần thu hoạch khi thảm cỏ có độ cao 80-120 cm tuỳ theo mùa khô hoặc mùa mưa. Thu hoạch lần đầu nên cắt sát mặt đất cho cây sinh trưởng và đẻ nhiều nhánh và các lứa cắt tiếp theo ở độ cao cắt so với mặt đất tốt nhất là 5 cm. Dùng máy, liềm hoặc dao sắc thu hoạch toàn bộ mầm cỏ trong thảm để đảm bảo sự sinh trưởng đồng đều cho lứa cỏ tái sinh. Sau mỗi lần thu hoạch cần xới xáo làm sạch cỏ dại và bón thúc phân đạm khi cỏ tái sinh lá mới (sau khi thu hoach 10-15 ngày). Trong mùa khô cỏ voi cần được tưới nước đều đặn như tưới phun 1 tuần/lần, tưới thấm (rãnh) 2 tuần một lần.
IV. HỎI:
Xin cho tôi biết điều kiện để nuôi bò thịt có hiệu quả nhất, và nuôi bò thịt thì chọn giống như thế nào? (Huỳnh Thanh Phương – Phù Cát)
ĐÁP:
Để nuôi bò thịt đạt hiệu quả cao thì nên có hình thức chăn nuôi thích hợp, kết hợp với con giống có ưu thế về năng suất và trọng lượng, phù hợp với điều kiện tập quán chăn nuôi của từng địa phương và thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng bệnh.
Về hình thức chăn nuôi: nên nuôi bán chăn thả, cho ăn thức ăn thô xanh kết hợp với thức ăn tinh và phế phụ phẩm nghành nông nghiệp nhằm đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng như đạm, khoáng, mỡ, bột đường, vitamin ..., bò mới cho năng suất thịt cao. Nếu thiếu đạm (protein) bò sẽ gầy yếu và tăng trọng kém, những thức ăn giàu protein là cỏ non, cỏ họ đậu, khô dầu đậu tương, bột cá, bã bia .... Bột đường và mỡ (glucid và lipid) là những chất dinh dưỡng cần thiết cung cấp năng lượng cho bò hoạt động và cho sản phẩm, chất bột đường có nhiều trong bột ngô, cám, gạo, tấm, khoai lang..., chất mỡ cấp năng lượng nhiều nhất, thường gấp 2,5 lần so với protein và bộtđường. Chất khoáng: canxi và phospho là 2 chất không thể thiếu của bò để tạo xương và tiết sữa, cho bò ăn thêm bột xương, bột sò, ... có thể bổ sung thêm một lượng canxi, phốt pho. Ngoài ra bò còn cần một số nguyên tố vi lượng khác như sắt, đồng, kẽm, coban…, những chất này thường có trong cỏ xanh, thân cây ngô, rau, đậu .... Bò cần vitamin nhóm A, B và D: vitamin A rất cần thiết để duy trì sức khỏe và cho sữa, có nhiều trong cỏ xanh, cỏ ủ chua ... , vitamin D có nhiều trong các loại thức ăn ủ men, cỏ khô, bã rượu bia ..., bò cần được chăn thả ngoài đồng để có điều kiện tổng hợp vitamin D. Bò cần nước để vận chuyển các chất dinh dưỡng, điều chỉnh thân nhiệt và để sản xuất sữa, hàng ngày bò cần một lượng nước khá lớn bằng 1/10 trọng lượng cơ thể vì vậy cung cấp đầy đủ nước uống cho bò là rất cần thiết.
Về con giống: những chỉ tiêu chủ yếu để đánh giá con giống tốt hay xấu là kích thước, trọng lượng và ngoại hình. Đối với bò thịt yêu cầu chọn giống theo ngoại hình rất cần thiết vì khả năng sản xuất thịt của nó được thể hiện rất rõ ở hình dạng bên ngoài, tầm vóc và sự phát triển của các cơ bắp. Bò thịt nhìn chung có hình dạng vạm vỡ chắc chắn, có chiều dài thân, chiều rộng và sâu ngực khá phát triển đặt trên bốn chân thấp và vững chắc, yêu cầu nữa đối với bò thịt là phải có khả năng vỗ béo cao, tích luỹ mỡ nhanh, có khả năng đạt trọng lượng xuất chuồng trong một thời gian tương đối ngắn. Phương hướng tạo giống bò thịt trước hết là cho lai rông rãi bò trong nước với giống bò gốc nhiệt đới phù hợp với khí hậu ở Việt Nam (Sind, Brahman,…) trong một thời gian nhất định để nâng cao trọng lượng, tầm vóc của bò ta; sau đó mới cho lai tiếp với một giống bò thịt chuyên dụng (Limousine, Crimousine, Red Angus, …) để tạo giống bò thịt của ta. Để chủ động giống trong chăn nuôi bò thịt nên nuôi bò sinh sản để lai tạo giống nhằm cho ra giống bò thịt hiệu quả nhất và phù hợp với điều kiện chăn nuôi.