Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, Phan Thị Diệu Hà cho biết cho biết, theo Thông tư 22/2012/TT- BCT vừa được bộ ban hành, quy định, từ nay đến hết 31/12 /2012, việc nhập khẩu các mặt hàng này theo hạn ngạch thế quan trứng gà, trứng vịt, các loại khác là 40.000 tá (tương đương 480.000 quả), muối 102.000 tấn, đường tinh luyện, đường thô 70.000 tấn.
Nguyên tắc cấp hạn ngạch thuế quan là thương nhân được phân giao hạn ngạch nhập khẩu muối, đường, trứng gia cầm phải thực hiện theo Thông tư 04/2006/TT-BTM (của Bộ Thương Mại trước kia, nay là Bộ Công Thương).
Bộ Công Thương sẽ phân giao hạn ngạch nhập khẩu 100 ngàn tấn muối công nghiệp cho các thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất và 2.000 tấn muối tinh khiết cho thương nhân sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất thuốc và sản phẩm y tế.
Bộ Công Thương cũng phân giao hạn ngạch nhập khẩu 50 ngàn tấn đường cho các thương nhân sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và 20 ngàn tấn đường thô cho thương nhân sản xuất đường để tinh luyện phục vụ sản xuất và tiêu dùng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, về mặt hàng muối, mặc dù công bố hạn ngạch 102 ngàn tấn, nhưng trước mắt, để tiêu thụ hết lượng muối tồn kho trong nước, Bộ Công Thương thống nhất với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ cấp và phân giao hạn ngạch vào tháng 9/2012 với đợt 1 chỉ là 53 ngàn tấn, trong đó có 51 ngàn tấn muối công nghiệp và 2.000 tấn muối tinh khiết.
Hai Bộ đã thống nhất và yêu cầu các thương nhân phải chấp hành đúng các quy định là phục vụ đúng mục đích sản xuất hàng hóa của thương nhân, không được mua bán, trao đổi. Đồng thời, phải có báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý theo yêu cầu của Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương sẽ tiến hành tổ chức các đoàn kiểm tra để giám sát thương nhân có sử dụng hạn ngạch nhập khẩu đúng mục đích hay không, ông Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, việc điều hành hạn ngạch có tính đến hỗ trợ cho người sản xuất rất rõ, cụ thể từ năm 2011 đến nay, chúng ta không nhập khẩu đường để phục vụ cho vấn đề can thiệp thị trường lưu thông trong nước mà chỉ phục vụ cho sản xuất.
Đối với các nhà sản xuất hàng thực phẩm, trước đây cũng được phân bổ hạn ngạch nhập khẩu muối, nhưng từ năm 2011 Bộ đã quyết định không phân bổ hạn ngạch cho đối tượng này.
Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông, lâm, thuỷ sản và nghề muối Đoàn Xuân Hoà cho biết, ngành mía đường năm nay đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Tuy nhiên ông Đoàn Xuân Hoà cũng thừa nhận, giá đường trong nước năm nay không cao, bình quân giảm 1.200-1500 đồng/ 1kg, đồng thời đường nhập lậu cũng đang là vấn đề nan giải.
Cũng theo ông Đoàn Xuân Hoà, liên quan đến thời điểm công bố hạn ngạch, hai Bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp giữa các nhà sản xuất đường với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đường làm nguyên liệu, và hai Bộ đã lựa chọn thời điểm chín muồi sau khi vụ thu hoạch mía kết thúc xong vài tháng nhằm không ảnh hưởng đến các hộ nông dân cũng như các nhà máy đường.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết thêm, theo cam kết của Việt Nam gia nhập WTO, đường và muối là hai mặt hàng không cấm nhập khẩu. Hàng năm, các mặt hàng này được nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan được Bộ Công Thương trao đổi thống nhất với Bộ NNPTNT và Bộ Tài chính, thực hiện theo các quy định của Nghị định số 12/NĐ-CP ngày 23/1/2006 và Thông tư hướng dẫn số 04/2006 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương).
* Đủ đường cho nhu cầu tiêu thụ trong nước
Ngày 10/8, Bộ NN&PTNT cho biết sau 3 niên vụ mía đường sụt giảm sản lượng, niên vụ 2011-2012 (từ ngày 15/8/2011 đến 15/7/2012) các nhà máy đã sản xuất khoảng 1,2 triệu tấn đường, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Trong niên vụ mía đường 2011-2012, các nhà máy đường đã xuất khẩu 200.000 tấn, tiêu thụ trong nước là 1,076 triệu tấn, bình quân mỗi tháng đạt 98.000 tấn.
Trong niên vụ vừa qua, diện tích mía đạt 284.000 ha, tăng hơn vụ trước khoảng 12.000ha. Năng suất mía bình quân cả nước đạt 61,7 tấn/ha tăng 1,2 tấn/ha so với vụ trước, đạt sản lượng 17,5 triệu tấn. Giá mua mía tại ruộng phổ biến từ 950.000 – 1.000.000 đồng/tấn. Tỷ lệ tiêu hao mía bình quân là 11,2 mía/1 đường, cao hơn so với vụ trước (10,8 mía/đường).
Khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp và nhà máy đường đã và đang gặp phải là thị trường tiêu thụ và vốn sản xuất phải chịu lãi suất cao. Một số doanh nghiệp cho biết vấn đề thiếu nguyên liệu và đường nhập lậu tiếp tục gây khó cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, ngành mía đường còn có những tồn tại như: năng suất, chất lượng mía chậm được cải thiện; việc tổ chức thu hoạch và sản xuất chưa tổ chức tốt, nên tổn thất sau thu hoạch cao; quan hệ sản xuất và tiêu thụ chưa được các doanh nghiệp quan tâm nhiều…
Trong niên vụ 2012 – 2013 dự kiến diện tích mía cả nước đạt khoảng 300.000ha, tăng so với vụ trước là 16.778ha. Trong đó, diện tích các nhà máy có ký hợp đồng thu mua và đầu tư là 268.728ha, tăng so với vụ trước 34.482ha, năng suất bình quân 63 tấn/ha, sản lượng mía cả nước dự kiến 18,9 triệu tấn. Theo kế hoạch, sản lượng đường sản xuất tại các nhà máy trong niên vụ 2012-2013 là 1,59 triệu tấn./