- Đất đai: Diện tích nước ta trên 33 triệu ha đất lục địa và mặt nước nội địa, có đủ điều kiện phát triển toàn diện các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng SX hàng hóa lớn.
b. Về tài nguyên lao động: Với khoảng 90 triệu dân hiện nay, trong đó có tới 60 triệu nông dân có học vấn khá, rất cần cù và sáng tạo là nguồn lực vô giá để phát triển nền nông nghiệp Việt Nam vươn tới tầm cao của thế giới.
2. Những khó khăn và thách thức: Nước ta là nước có nhiều thiên tai, là một trong những nước chịu tác động lớn nhất về biến đổi khí hậu toàn cầu. Phần lớn nông dân Việt Nam trải qua hàng ngàn năm sống trong điều kiện tự cung tự cấp. SX nhỏ và manh mún đang là lực cản kìm hãm sự phát triển nền nông nghiệp Việt Nam.
3. Thành tựu trong 25 năm đổi mới
Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý nông nghiệp, là mốc son khởi đầu quá trình đổi mới trong nông nghiệp, tính đến nay đã được 25 năm. Trong khoảng thời gian đó, nền nông nghiệp nước ta gặt hái được những thành tựu to lớn, được nhân dân ta hoan nghênh, được bạn bè thế giới ca ngợi, đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước trong hai thập kỷ qua, chủ yếu là:
- Một, các ngành SX trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản đều có tốc độ phát triển đáng kể. Thành tựu nổi bật nhất vẫn là SX lúa gạo. Sau khi có Nghị quyết 10 thì ngay lập tức, vào năm 1989 đã bắt đầu XK được 1,42 triệu tấn gạo, từ đó đến nay lượng gạo XK hàng năm tăng dần mà đỉnh cao là năm 2012 đạt 8,1 triệu tấn với kim ngạch 3,7 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành nước XK gạo hàng đầu thế giới.
- Hai, kim ngạch XK nông lâm thủy sản Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc. Đến năm 2012, kim ngạch XK nông lâm, thủy sản đạt 27,54 tỷ USD, xuất siêu khoảng 10 tỷ USD. Đã có những mặt hàng có kim ngạch XK lớn như: Gạo; cà phê; sắn và sản phẩm của sắn; hạt điều, hồ tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản. Kim ngạch xuất siêu chiếm tỷ trọng lớn, đã góp phần đáng kể vào cán cân thanh toán của nước ta.
- Ba, đời sống nông dân và bộ mặt kinh tế nông thôn có thay đổi lớn. Đời sống nông dân được cải thiện đáng kể, trong đó nông dân vùng chuyên canh cà phê, cao su, hồ tiêu, chăn nuôi bò sữa đạt mức sống khá giả. Bộ mặt nông thôn đã có chuyển biến căn bản.
Hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn được phát triển, phần lớn các xã có đường kiên cố đến tận xã, có đủ trạm xá, chợ. Nông dân đủ ăn, con cái được học hành, được thụ hưởng các tiện ích công cộng như điện, nước sạch và được tiếp cận với công nghệ truyền thông hiện đại…, là bước chuyển biến đổi đời của nông dân ta trong 2 thập kỷ qua.
4. Những yếu kém và mâu thuẫn mới phát sinh
- Một là, hiệu quả sử dụng đất, năng suất lao động quá thấp và rất không đồng đều. Theo số liệu năm 2012, tổng giá trị SXNN khoảng 940 ngàn tỷ đồng, doanh thu bình quân đạt khoảng 50 triệu đồng/ha/năm, trong đó ngành nông nghiệp đạt khoảng hơn 80 triệu đồng/ha/năm; ngành nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 120 triệu đồng/ha/năm; ngành lâm nghiệp chỉ đạt khoảng 3,4 triệu đồng/ha/năm.
Trong điều kiện đất ít người đông, doanh thu từ ruộng đất quá thấp, là nguồn gốc của tình trạng nghèo túng của phần lớn nông dân nước ta.
- Hai là, tình trạng SX manh mún, phân tán vẫn tồn tại dai dẳng, nhất là các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Nước ta đã có các vùng chuyên canh SX hàng hóa lớn, như vùng SX lúa gạo ĐBSCL, vùng chuyên canh cao su, cà phê ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ, vùng chăn nuôi bò sữa ở nhiều địa phương trên cả nước, phần còn lại là nền kinh tế dựa vào hộ tiểu nông SX nhỏ và siêu nhỏ, công nghệ lạc hậu, tỷ suất hàng hóa rất thấp.
- Ba là, đời sống nông dân nói chung vẫn nghèo, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn đang doãng ra, trong đó khoảng cách về mức sống giữa nông dân miền xuôi và miền ngược; giữa vùng trồng lúa và vùng trồng cây công nghiệp, thủy sản cũng đang doãng ra.
Đến nay, GDP nông nghiệp là 200 USD/người/năm, trong khi GDP bình quân cả nước là 1.600 USD/người/năm, có 47,4% nông dân tỏ thái độ chưa hài lòng về cuộc sống hiện tại, có nơi nông dân bỏ ruộng, thậm chí bỏ làng để tìm sinh kế ở nơi khác.
II. Tái cấu trúc, tao bước đột phá mới về nông nghiệp Việt Nam trong vài thập niên tới
Xuất phát điểm từ một nước thiếu đói triền miên trải qua bốn thập kỷ nhập khẩu lương thực, với động lực mới từ quyết sách giao quyền tự chủ cho hộ nông dân, dựa vào cơ cấu sản lượng nông nghiệp có sẵn, lấy trục phát triển trọng tâm là phát triển SX lúa gạo càng nhanh, càng nhiều càng tốt, hướng ra XK, thu hút phần lớn nguồn lực của đất nước đầu tư vào SX lúa gạo, đã tạo ra kỳ tích của nền NN, nhất là SX lúa gạo của nước ta trong suốt 25 năm qua.
Nhưng tốc độ tăng trưởng nông nghiệp hiện nay đã chững lại, hiệu quả của SXNN ngày càng thấp, đời sống nông dân ở một số vùng ngày càng khó khăn, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới vẫn thấp kém.
Động lực và cơ cấu sản nghiệp nông nghiệp hiện có đã được khai thác hết mức, đến thời điểm này đã xuất hiện nhiều điều bất ổn đang kìm hãm sự phát triển SXNN của nước ta trong giai đoạn mới. Đòi hỏi bức xúc hiện nay là phải tìm kiếm động lực mới gắn với cơ cấu sản nghiệp mới, để tạo bước đột phá mới, đáp ứng nguyện vọng cải thiện nhanh đời sống nông dân và góp phần phát triển KT-XH đất nước.
Tái cấu trúc nền nông nghiệp nước ta hiện nay là phải xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn với cơ cấu sản nghiệp mới lấy trục phát triển trọng tâm là những sản nghiệp chủ lực có hiệu quả cao, nông dân có lời nhiều, đồng thời tạo ra những sản phẩm có chuỗi giá trị gia tăng cao có sức cạnh tranh quốc tế, đảm bảo nền nông nghiệp hàng hóa của nước ta có đủ thực lực để đứng vững và phát triển trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Tiêu chí quan trọng nhất về hiệu quả kinh tế của nông nghiệp được tính bằng doanh thu và tỷ suất lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất. Mục tiêu hướng tới là: Với 18 triệu ha đất nông nghiệp, đất trồng rừng kinh tế và mặt nước nuôi trồng thủy sản, mức doanh thu bình quân hiện nay mới đạt 50 triệu đồng/ha/năm, khoảng 20 năm nữa tăng lên 100 triệu đồng/ha/năm và đến 2050 đạt khoảng trên 200 triệu đồng/ha/năm, đảm bảo mức thu lời cho nông dân từ 20 – 30%.
Lợi tức một hộ nông dân từ mức hiện nay là 10 triệu đồng/năm sẽ nâng dần lên 50 triệu đồng/năm, đạt mức sống trung lưu và trong tương lai sẽ tăng lên 100 triệu đồng/năm đạt tiêu chí mức sống giàu có ở nông thôn.
Tác giả bài viết: Bộ NN&PTNT
Ý kiến bạn đọc