Nâng cao hiệu quả quản lý rừng dựa vào cộng đồng

Thứ năm - 05/11/2020 15:01 3.665 391
Quản lý rừng dựa vào cộng đồng đang là hướng đi được đánh giá là bền vững để bảo vệ tài nguyên rừng. Tuy nhiên, cho đến nay, mô hình này vẫn chưa phát huy hiệu quả do thiếu hệ thống chính sách, khung pháp lý phù hợp, thậm chí nó chỉ được đề cập đến một cách sơ sài ở trong một vài quyết định, văn bản có liên quan.
Nâng cao hiệu quả quản lý rừng dựa vào cộng đồng

Rừng vẫn mất

Theo kết quả điều tra của Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), cả nước hiện có khoảng 10.006 cộng đồng dân cư thôn tham gia quản lý, bảo vệ rừng, chủ yếu là cộng đồng các dân tộc ít người. Tổng diện tích rừng cộng đồng đang quản lý và sử dụng khoảng 2,7 triệu hecta, trong đó 68,6% là đất có rừng, 31,4% là đất trống đồi trọc. Cộng đồng quản lý rừng tự nhiên là chính (chiếm 96%), rừng trồng chỉ chiếm 4% và chủ yếu do cộng đồng trồng bổ sung trên diện tích đất trống đồi trọc thông qua các chương trình, dự án. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó viện trưởng Ipsard nhận định, bảo vệ và quản lý rừng ở nước ta vẫn chưa tìm thấy mô hình nào tối ưu nhất. Các lâm trường, các ban quản lý rừng không đủ nhân lực để quản lý bảo vệ rừng. Sau nhiều năm chuyển hầu hết đất lâm nghiệp cho các lâm trường quản lý, những năm gần đây nước ta đã quay trở lại phương thức đồng quản lý rừng giữa Nhà nước và các cộng đồng thôn bản. 

Thạc sỹ Vũ Duy Hưng, Viện Ipsard cho biết, qua khảo sát các mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng ở 5 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Đắk Nông và Đắk Lắk thấy, có sự khác nhau trong hiệu quả quản lý giữa các cộng đồng ở từng địa phương. Tại Tây Nguyên, mặc dù được quản lý tốt hơn trước khi giao cho cộng đồng nhưng rừng vẫn tiếp tục bị “chảy máu”. Sau khi giao rừng cho cộng đồng quản lý từ 8 – 10 năm, rừng tiếp tục bị phá từ 40 – 90%, bị lấn chiếm từ 5 – 80%, chất lượng rừng bị suy thoái nghiêm trọng. Thậm chí, khảo sát tại buôn Treng, xã Ea H’Leo (Ea H’Leo – Đắk Lắk), toàn bộ 1.190ha rừng được giao hầu như đã bị phá sạch để trồng cây công nghiệp và phần lớn bị người dân địa phương khác lấn chiếm. Một mô hình được đánh giá tương đối tốt là rừng cộng đồng buôn Ta Ly, xã Ea Sol (huyện Ea H’Leo) nhưng trên thực tế cũng có khoảng 40 – 50% diện tích rừng bị phá để làm nương rẫy và trồng cây công nghiệp.

Trong khi đó, tại Tây Bắc, mô hình rừng cộng đồng lại được quản lý khá hiệu quả do có các lực lượng chuyên trách, xây dựng được quy ước quản lý, bảo vệ rừng rất cụ thể, các hoạt động quản lý bảo vệ rừng đã trở thành nề nếp. Đơn cử như ở khu 9, thị trấn Than Uyên (Than Uyên – Lai Châu), cộng đồng quy định các hộ làm nhà mới chỉ được sử dụng từ 1 – 3 cây gỗ có đường kính trên 30cm dưới sự giám sát của cộng đồng; được sử dụng gỗ rừng trồng để phục vụ thủy lợi; mỗi năm chỉ được phép vào rừng lấy củi 1 lần vào dịp cuối năm trong vòng 1 – 3 ngày; không được lấy măng, chỉ được lấy rau, lá thuốc nhưng phải báo cho tổ bảo vệ thì tại Bon Ja Rá, xã Nghĩa Thắng (Đắk R’Lấp – Đắk Nông), khi rừng còn gỗ người dân được tự do khai thác mà không phải chịu quy định nào, được tự do lấy củi với số lượng không hạn chế. Có lẽ vì vậy mà từ khi được giao cho cộng đồng quản lý đến nay (năm 2008), ở Bon Ja Rá, người dân không trồng thêm được một hecta rừng nào, thậm chí còn bị phá đến 80%, chất lượng rừng rất kém, không còn cây có đường kính trên 30cm, độ che phủ chỉ còn 30 – 32%. Trong khi đó ở xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên (Điện Biên), từ khi được giao năm 1994 đã trồng được hàng chục hecta, rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, chất lượng rừng đạt trên trung bình, đường kính cây to trên 40cm, độ che phủ đạt 100%. Từ thực tế này, ông Hưng đưa ra nhận xét: Ở mỗi vùng miền, mô hình quản lý rừng cộng đồng cần có những thay đổi sao cho phù hợp với phong tục tập quán, điều kiện sống và trình độ của người dân. Còn theo ông Nguyễn Nghĩa Biên, Viện trưởng Viện Điều tra và Quy hoạch rừng (FIPI), có sự khác nhau giữa các địa phương thể hiện sự cứng nhắc trong xây dựng mô hình, có thể phù hợp với địa phương này nhưng không phù hợp với địa phương khác, mô hình của miền Bắc không thể áp dụng cho miền Nam và ngược lại.

Có một lý do khiến mô hình quản lý rừng cộng đồng chưa phát huy hiệu quả là tác động của mô hình đến thu nhập của hộ gia đình còn yếu và không ổn định. Trong số 9 mô hình được Ipsard khảo sát, chỉ có 4 mô hình tại Tây Nguyên là có thu nhập từ khai thác gỗ thương mại, với mức thu nhập từ rừng cộng đồng (gỗ và lâm sản ngoài gỗ) chiếm bình quân 7% thu nhập của hộ. Lợi ích kinh tế trực tiếp do lâm nghiệp cộng đồng quy ra tiền cho mỗi hộ chỉ trên dưới 1 triệu đồng/năm. Do vậy, chưa tạo động lực khuyến khích cộng đồng tham gia quản lý rừng, họ sẵn sàng phá rừng để trồng các loại cây khác có lợi nhuận cao hơn. Điều này thể hiện rất rõ ở vùng Tây Nguyên khi mấy năm gần đây, cà phê, cao su, hồ tiêu được giá đã làm tăng áp lực lên những khu rừng.

Ngoài ra, theo ông Biên, việc Nhà nước giao cho cộng đồng quản lý chủ yếu là rừng nghèo, ở xa khu dân cư, còn rừng tốt do các ban quản lý, doanh nghiệp nắm giữ đã không khuyến khích được người dân tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Cần hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan

Ở một khía cạnh khác, theo ông Biên, mô hình lâm nghiệp cộng đồng là một trong những hướng quản lý và bảo vệ rừng một cách bền vững, lại đảm bảo sinh kế bền vững cho hàng chục triệu dân nhưng đáng tiếc là cho đến nay, vẫn chưa có văn bản pháp lý chính thức nào dành cho lâm nghiệp cộng đồng mà chỉ có các điều khoản trong các quyết định, nghị định hay thông tư nên chưa khuyến khích được mô hình này phát triển. Thậm chí, có những chính sách khó đi vào thực tiễn bởi không phù hợp, xa rời thực tế, khó áp dụng và chưa phù hợp với trình độ của người trồng rừng, vốn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách chỉ tập trung vào việc quản lý, kiểm soát rừng thay vì hỗ trợ cho người của các cộng đồng tham gia quản lý. Chính điều này đã không khuyến khích được sự tham gia của người dân và cộng đồng. 

GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu vấn đề: Phương thức giao rừng cho cộng đồng rất hiệu quả trên thế giới, chính vì vậy các tổ chức quốc tế mới khuyến cáo, tư vấn cho Việt Nam triển khai mô hình này. Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn về cộng đồng ở Việt Nam và trên thế giới, khiến việc giao rừng kém hiệu quả. Uy tín của người đứng đầu cộng đồng (trưởng bản, già làng) có ý nghĩa quyết định đến tính tự giác của toàn thể cộng đồng trong quản lý và bảo vệ rừng. “Ở nước ta, thường những người đứng đầu thôn bản nếu được lòng chính quyền xã, thì chưa chắc được lòng người dân. Khái niệm cộng đồng ở Việt Nam cũng rất mơ hồ, chưa được quy định trong các văn bản Luật của nhà nước. Cộng đồng không phải cơ quan chính quyền, không phải là DN, cũng không phải tư nhân, nên không có cả tư cách pháp nhân và thể nhân, vì vậy không thể mở tài khoản ở ngân hàng, cũng không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi chủ thể là thôn bản”, ông Võ nói. 

Chính vì vậy, rất nhiều ý kiến tại hội thảo “Một số đề xuất chính sách nâng cao hiệu quả quản lý rừng dựa vào cộng đồng” do Ipsard tổ chức đều cho rằng, cần thiết lập một nền tảng cho kiện toàn chính sách, hệ thống những quy định đối với đất lâm nghiệp cộng đồng tại Việt Nam. Đồng thời, cần thành lập một cơ quan chính thức quản lý toàn bộ hoạt động lâm nghiệp cộng đồng ở nước ta. “Các chính sách của nhà nước cần xác lập và thừa nhận quyền quản lý, sử dụng rừng của cộng đồng. Nhà nước phải ban hành quy định cụ thể về khai thác, hưởng lợi rừng cộng đồng, thủ tục hành chính, xử lý vi phạm các hành vi xâm hại rừng cộng đồng và điều chỉnh các quan hệ trong cộng đồng trong lĩnh vực quản lý rừng’, ông Hưng đề xuất. 

Từ mô hình thực hiện ở tỉnh Điện Biên trong khuôn khổ dự án Quản lý rừng bền vững vùng đầu nguồn Tây Bắc (SUSFORM – NOW) do Tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ, ông Inoue Yasuyuki, chuyên gia của JICA cho rằng, để triển khai hiệu quả mô hình, bên cạnh việc quản lý, bảo vệ rừng cũng cần tổ chức các hoạt động nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân. Theo đó, dự án hỗ trợ thành lập các ban quản lý tại thôn xóm để điều phối các hoạt động quản lý rừng và phát triển sinh kế, xây dựng quỹ thôn bản; thành lập đội tuần tra, bảo vệ rừng, kinh phí chi trả lấy từ nguồn quỹ thôn bản và các nhóm sản xuất khác; giao đất giao rừng đến tận thôn bản. Trong dự án này, quỹ thôn bản có vai trò vô cùng quan trọng để điều phối các hoạt động của các nhóm, đội sản xuất, đội tuần tra bảo vệ rừng; nguồn kinh phí của quỹ được lấy từ phí dịch vụ môi trường rừng và nhiều chương trình, dự án khác. 

Nhờ mô hình hoạt động này mà trong năm 2012, dự án đã hỗ trợ người dân trồng được 79ha rừng, năm 2013 trồng được 144ha, 80% diện tích là keo. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ người dân phát triển sinh kế thông qua mô hình nuôi lợn, bò, gà, cá; xây dựng hầm biogas; trồng rau, nấm, cây ăn quả, cỏ nuôi bò; sản xuất rượu, làm chổi… Ông Inoue Yasuyuki cho rằng, mục tiêu chính của dự án là cho người dân một công cụ để vừa có thể giữ vững diện tích rừng vừa đảm bảo sinh kế thay vì cho người dân tiền, đưa họ vào thế bị động. Trong mô hình này, vai trò của già làng, trưởng bản là vô cùng quan trọng.

Trong khi đó, ông Biên đặt một câu hỏi: Tại sao không thành lập một cơ quan chính thức cho lâm nghiệp cộng đồng ở Việt Nam? Có như vậy, mô hình này mới phát huy hiệu quả một cách bền vững./.

Tác giả bài viết: Bộ NN&PTNT

  Ý kiến bạn đọc

665/QĐ-SNN

Về việc công bố công khai số liệu quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định

Thời gian đăng: 01/11/2024

lượt xem: 32 | lượt tải:18

3922/QĐ-UBND

Công bố Danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực Công chức thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Nội vụ

Thời gian đăng: 14/11/2024

lượt xem: 29 | lượt tải:12

272/QĐ-STTTT

Quyết định phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin đối với hệ thống thông tin của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thời gian đăng: 10/11/2024

lượt xem: 32 | lượt tải:11

186/KH-UBND

Tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” t n địa àn tỉnh năm 2024.

Thời gian đăng: 08/11/2024

lượt xem: 27 | lượt tải:13

3717/QĐ-UBND

Công bố thủ tục hành chính nội bộ của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thời gian đăng: 29/10/2024

lượt xem: 36 | lượt tải:14
205817925-544505503352187-9144422428669456198-n.jpg 118537129-10157970792479822-3451611124786988349-o.jpg 116570717-10157924460349822-6520651536196792254-o.jpg 101104647-177889277035337-8739303053359841280-n.jpg 21615984-10155219086919822-1059293438531476461-n.jpg
bộ nnptnt
UBND tỉnh Bình Định
đảng bộ tỉnh bđ
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay1,866
  • Tháng hiện tại62,229
  • Tổng lượt truy cập2,992,916
ảnh 1
ảnh 2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây