Ngày 15/4, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Kiêm; lãnh đạo một số bộ, ngành chức năng, lãnh đạo các địa phương có biển và nghề cá trong cả nước tham dự.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, những năm qua, ngành Thủy sản nước ta đã có bước phát triển nhanh, ổn định. Đến nay, tổng sản lượng thủy sản đã đạt xấp xỉ 6 triệu tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng chiếm tỷ trọng 54,2%); tổng số lao động nghề cá khoảng trên 4,5 triệu người. Thủy sản vươn lên trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, ngành cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, trong đó nổi lên trước hết là chất lượng tàu cá, (có tới 99% tàu cá đóng từ gỗ); 85%-90% tàu cá sử dụng động cơ từ các thiết bị cũ/thiết bị giao thông đường bộ; trang thiết bị bảo quản thô sơ (dưới 10% tàu có thiết bị bảo quản đảm bảo chất lượng hải sản cho chế biến và xuất khẩu) nên tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao (từ 25-30%); với gần 1 triệu lao động đánh cá nhưng chủ yếu là lao động phổ thông và hầu hết chưa được đào tạo nghề.
Hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cho nuôi trồng thủy sản; phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản còn hạn chế; trong cơ cấu sản phẩm thủy sản xuất khẩu, tỷ trọng sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao đạt thấp, mới chiếm khoảng 20-25%. Sản phẩm cá tra xuất khẩu chủ yếu vẫn là hàng đông lạnh dưới dạng phi lê được xuất khẩu thông qua các công ty trung gian...
Từ đánh giá tổng quan như trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nêu những phương hướng và giải pháp phát triển ngành Thủy sản bền vững trong thời gian tới.
Theo đó, đối với khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản sẽ giảm dần sản lượng khai thác thủy sản ven bờ, đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ, giảm tổn thất sau thu hoạch và gắn với tổ chức lại sản xuất trên biển, đào tạo nghề cho ngư dân. Việc hiện đại hóa tàu cá sẽ tập trung ưu tiên cải hoán số tàu cá hiện có; đóng mới khoảng 3.000 tàu vỏ thép. Xây dựng hạ tầng tại 6 trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm và vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.
Đối với nuôi trồng thủy sản, lựa chọn các đối tượng nuôi có ưu thế cạnh tranh cao, có thị trường, tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá rô phi và nhuyễn thể tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung (trước mắt ưu tiên hình thành vùng nuôi tôm tại bán đảo Cà Mau, tứ giác Long Xuyên).
Tổ chức lại sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, từ ao nuôi, ngư trường đến thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi; tập trung nghiên cứu, chọn tạo để sản xuất trong nước đủ giống, chất lượng cao đối với tôm nước lợ và cá tra kể từ năm 2015.
Về chế biến xuất khẩu thủy sản, chuyển mạnh cơ cấu từ chế biến thô sang các sản phẩm giá trị gia tăng cao và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến phù hợp văn hóa, thị hiếu từng thị trường trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh; tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững thị phần các thị trường xuất khẩu trọng điểm truyền thống, mở rộng các thị trường mới; liên kết trong phân phối sản phẩm đối với một số tập đoàn, hệ thống bán lẻ lớn ở thị trường ngoài nước.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa; hỗ trợ khắc phục rủi ro, thiên tai trên biển cùng với việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành mới cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng, hỗ trợ bảo hiểm, đào tạo nguồn nhân lực nghề cá.../.
Tác giả bài viết: Bộ NN&PTNT
Ý kiến bạn đọc