Trong điểm sáng về “bức tranh xuất khẩu” của ngành nông nghiệp 2 tháng đầu năm nay, với kim ngạch xuất khẩu đạt 6,1 tỉ USD, liên tiếp nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực tăng cả về sản lượng và giá trị như gạo, cà phê, chè, hạt điều, rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn. Thủy sản tiếp tục khẳng định là ngành mũi nhọn, đạt kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỉ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó là những nỗ lực của ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp để xóa “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam khi thời hạn cuối đang đến gần vào ngày 23/4 năm nay.
Một tín hiệu vui với thủy sản Việt Nam là cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu khi Australia đang xem xét việc nhập khẩu tôm tươi nguyên con vào thị trường này.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết, cùng với các đơn vị liên quan Cục đã và đang hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp xây dựng vùng cơ sở an toàn và chuỗi sản xuất tôm an toàn để phục vụ xuất khẩu.
“Thực hiện Thông tư 14 của Bộ NN&PTN về “Vùng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật”, các địa phương, nhất là Bạc Liêu, Cục Thú y vừa giám sát vừa xây dựng cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu. Riêng với Tập đoàn Việt Úc hướng dẫn xây dựng chuỗi sản xuất từ nuôi trồng, nguyên liệu, chế biến an toàn dịch bệnh. Với sự chuẩn bị đó khi đoàn công tác của Australia sang kiểm tra, nếu được chấp thuận Việt Nam sẽ xuất khẩu được tôm nguyên con, tôm tươi vào thị trường này. Đây là thị trường kiểm dịch yêu cầu khắt khe, nếu thâm nhập được thị trường này sẽ có cơ hội rất lớn xuất khẩu tôm vào các thị trường khác”, ông Thành nói.
Cùng với thủy sản, lĩnh vực trồng trọt cũng được kỳ vọng đem lại kim ngạch xuất khẩu trên 22 tỷ USD trong năm nay. Lần đầu tiên trong vòng 5 năm trở lại đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua giá gạo Thái Lan. Nếu như giá gạo xuất khẩu bình quân trong năm 2016 chỉ đạt 435 USD/tấn thì năm 2017 là 450 USD/tấn và giá gạo trong đợt xuất khẩu đầu năm 2018 đạt 475 USD/tấn….
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, kết quả này là nhờ ngành lúa gạo thời gian qua nỗ lực tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị chất lượng của gạo xuất khẩu.
“Định hướng ngành lúa gạo tới đây tiếp tục và kiên trì nâng cao chất lượng của gạo. Năm 2017 Việt Nam xuất khẩu 5,8 triệu tấn, năm nay có khả năng đạt 6,5 triệu tấn nên vẫn phải giữ cơ cấu chủ yếu là gạo chất lượng. Đối với gạo thường chỉ duy trì khoảng 20% gạo thường thì mới giữ được giá trị, và thương hiệu của gạo xuất khẩu”, ông Tuấn cho biết.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, năm 2018, song song với thị trường Trung Quốc, thị trường Hoa Kỳ và các nước trong Liên minh châu Âu (EU), các nước ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường được đẩy mạnh về xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm thủy sản của Việt Nam.
Về đích năm 2017 với tốc độ tăng trưởng 2,94% và kim ngạch xuất khẩu đạt 36,37 tỷ USD, những kết quả đạt được trong 2 tháng đầu năm nay của ngành nông nghiệp là tiền đề và cũng là động lực để ngành thực hiện thắng lợi mục tiêu của năm 2018 với mức tăng trưởng 3,05%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản đạt 40,5 tỉ USD.
Để đạt được mục tiêu này, ngoài thực hiện đồng bộ những giải pháp trọng tâm, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện tái cơ cấu trên bình diện quốc gia, địa phương và tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn” về đất đai, nguồn vốn cũng như đề xuất các cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp; đẩy mạnh xây dựng liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản./.
Tác giả bài viết: Theo Minh Long (VOV1)
Ý kiến bạn đọc