Dự án Rau an toàn (RAT) Bình Định hỗ trợ HTXNN Thuận Nghĩa (Phú Phong, huyện Tây Sơn), HTXNN Phước Hiệp (Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) cùng 2 nhóm cùng sở thích (NCST) Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) và Nhơn Hưng (TX An Nhơn) canh tác rau hợp chuẩn VietGAP. Các chuyên gia của Dự án phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) mở các lớp đào tạo kỹ thuật trồng trọt cho nông dân trên đồng ruộng; đào tạo kỹ thuật thu hoạch, chế biến nông sản đúng quy trình khép kín chuẩn VietGAP.
Dựa trên kế hoạch phát triển, Dự án đi sâu vào từng chuyên đề nhằm đưa kỹ thuật canh tác VietGAP chuyển giao cho nông dân phù hợp nhất. Nhờ vậy, nhiều nông dân của Dự án RAT Bình Định cho biết, tham gia vào dự án, họ nắm vững kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó chú trọng vào lượng phân, nước cho rau; tỷ lệ dinh dưỡng và khoảng cách thời gian thu hoạch.
Trồng rau là việc nhà nông, nhưng trồng RAT đạt chuẩn VietGAP nông dân không thể cậy vào kinh nghiệm mà phải được đào tạo hẳn hoi. Ông Phạm Văn Cường, nông dân ở HTXNN Thuận Nghĩa, cho biết: “Trồng RAT đạt tiêu chuẩn VietGAP nói thì dễ nhưng khi đi sâu vào thực hành chúng tôi mới biết, hiểu và nắm vững quy trình, từ khâu làm đất, chọn giống, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế... tuân thủ nghiêm ngặt. Chẳng hạn, riêng việc bón phân trên luống rau cũng đòi hỏi kỹ thuật, độ chính xác trong tỷ lệ phân, khoảng cách thời gian cho từng đợt bón thúc. Khi bắt đầu lên luống, tuần tự xuống phân chuồng hoặc phân vi sinh để tạo độ màu mỡ cho đất, sau đó cách 7 - 10 ngày bón thúc lần 1, lần 2; thời gian cách ly phải tối thiểu 2 tuần trở lên mới thu hoạch!”.
Bên cạnh đạo tào về kỹ thuật canh tác, Dự án RAT Bình Định từng bước hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh cho RAT trên thị trường. Năm 2019, Dự án RAT Bình Định hỗ trợ 2 HTXNN Thuận Nghĩa và Phước Hiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc cho nông sản dưới dạng mã vạch. Năm 2020, Dự án thực hiện cải tạo hoàn thiện 2 nhà sơ chế rau cho HTX; đồng thời đầu tư xây mới 2 nhà sơ chế cho NCST Vĩnh Sơn và An Nhơn. Ông Nguyễn Mạnh Đôn, phụ trách kỹ thuật của HTXNN Phước Hiệp, cho biết, nhờ các bước hỗ trợ của Dự án RAT Bình Định, HTX hoàn thành và duy trì chứng nhận VietGAP; các nông dân tham gia nắm bắt quy trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế đóng gói sản phẩm theo đúng quy trình. Đến nay, RAT Bình Định cung ứng ra thị trường mỗi tháng khoảng 30 tấn rau các loại.
Ông Phạm Tấn Phát, Điều phối viên Dự án RAT Bình Định, cho biết: “Trong chiến lược phát triển, RAT Bình Định - nhãn hiệu Lá Lành tăng tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị, quầy bán rau an toàn, cửa hàng tiện ích để nâng cao giá trị kinh tế. Để đưa sản phẩm vào các chuỗi bán lẻ này, phải tạo được nhận diện cho RAT Bình Định bằng các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, quy trình chế biến. Chính vì thế, Dự án hỗ trợ các HTX, NCST xây dựng truy xuất nguồn gốc bằng mã vạch”.
Cùng với đó, Dự án RAT Bình Định xây dựng kế hoạch quảng bá, đưa sản phẩm RAT Bình Định - nhãn hiệu Lá Lành đến với khách hàng bằng nhiều kênh. Thông qua tiếp cận thông tin, người tiêu dùng thấy được trước khi đến tay khách hàng, RAT Lá Lành trải qua quá trình sản xuất khép kín chuẩn VietGAP. Tiêu chuẩn này áp dụng từ khâu chọn đất trồng, chọn giống và phương pháp canh tác cho đến khâu thu hoạch; khi rau xuất hiện trên kệ hàng có đầy đủ thông tin để người tiêu dùng tiếp cận, đánh giá sản phẩm.
Tác giả bài viết: THU DỊU - Báo Bình Định
Ý kiến bạn đọc