Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Địnhhttps://snnptnt.binhdinh.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 14/04/2022 13:451.2230
Vĩnh Thạnh là một trong 8 huyện của tỉnh Bình Định được chọn triển khai Dự án rau an toàn (RAT) do Chính phủ New Zealand tài trợ, thông qua Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand hợp tác với UBND tỉnh Bình Định triển khai thực hiện trong 5 năm (từ tháng 6/2016 đến tháng 5/2021 và kéo dài đến tháng 5/2022).
Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện dự án trên vùng đất đỏ Bazan có độ cao hơn 800 mét so với mặt nước biển, cách trung tâm huyện lỵ 50 km, là nơi mang nét riêng của 1 vùng tiểu khí hậu thích ứng với nhiều loại cây trồng ôn đới nhất là rau và hoa; được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu cộng thêm sự cần cù, chịu thương, chịu khó và ham học hỏi của người Ba Na đã xây dựng nên 1 vùng rau ôn đới với nhiều chủng loại như bắp cải, cải thảo, súp lơ, xà lách, ớt chuông, cà rốt, củ dền….. góp phần làm đa dạng chủng loại rau mang thương hiệu “lá lành” đi vào hệ thống Siêu thị Big C; Coop mart; chợ truyền thống và khách du lịch khi đến Vĩnh Sơn không quên mua một túi rau làm quà cho người thân và bạn bè.
Ngay từ những ngày đầu theo đoàn chuyên gia, cùng với lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh đi khảo sát thực địa để xây dựng mô hình tại Vĩnh Sơn, đồng thời suốt thời gian tham gia cùng Tổ chỉ đạo hướng dẫn sản xuất rau an toàn của huyện, ông Lê Văn Thuận Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tâm sự: “Vĩnh Sơn rất giàu tiềm năng về đất đai, nguồn nước và khí hậu ôn hòa phù hợp cho nhiều loại cây trồng sinh trưởng phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao, Dự án RAT được triển khai thực hiện đã góp phần cụ thể hóa Chương trình hành động của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Thạnh lần thứ XVIII về tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đưa đời sống của người dân ngày một nâng lên”
Trồng rau an toàn theo hướng Viet GAP là một nghề hoàn toàn mới với đồng bào Ba Na nơi đây, chính vì vậy ngay từ khi bước vào thực hiện Dự án, công tác đào tạo cho nông dân về kỹ thuật là khâu then chốt để nông dân biết và thực hiện. Qua 5 năm đã tổ chức đào tạo cho nông dân trên đồng ruộng (FFS) được 5 lớp/123 thành viên của nhóm “cùng sở thích” trồng rau an toàn; 4 lớp đào tạo về kiến thức về an toàn thực phẩm; 1 lớp tập huấn về an toàn thực phẩm khi thu hoạch và sau thu hoạch; 1 lớp tập huấn xây dựng quy chế và kế hoạch hoạt động cho tổ, nhóm sản xuất rau an toàn của 2 nhóm Vĩnh Sơn và 3 nhóm vùng mở rộng. Ngoài ra Tổ kỹ thuật của huyện cùng cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt – BVTV trong thời gian đầu, hàng ngày bám ruộng, lội đồng để hướng dẫn cho nông dân theo dõi sự sinh trưởng, ẩm độ đất, tình hình sinh vật gây hại trên cây rau để đưa ra quyết định đúng cho thời gian tưới, bón phân, phòng trừ sâu bệnh chính xác, hiệu quả. Tổ chức 1 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật lấy mẫu rau trên đồng ruộng; quy trình phân tích dư lượng thuốc BVTV bằng “GT-TEST KIT” và bàn giao 1 bộ dụng cụ Test nhanh cho nhóm cùng sở thích xã Vĩnh Sơn để lấy mẫu; tổ chức 3 đợt tham quan tại các vùng trồng rau trong tỉnh và hệ thống siêu thị để các thành viên học tập.
Để phù hợp với đặc điểm sinh trưởng, phát triển của các loại rau và hạn chế tác nhân cơ giới của phương pháp tưới ảnh hưởng đến cây rau, tổ hướng dẫn kỹ thuật đã đề xuất với Văn phòng dự án và đoàn Chuyên gia áp dụng phương pháp tưới phun mưa bằng Bét xoay và tưới phun mưa bằng hệ thống ống lủng; qua 2 phương pháp tưới này đã tiết kiệm được nước, công lao động, giảm xói mòn đất và làm tăng độ tơi xốp của đất cũng như hạn chế vết thương cơ giới từ đó hạn chế được một số nấm bệnh xâm nhập gây hại cây rau; xung quanh ruộng rau cũng được rào bằng lưới P40 để không cho gia súc gia cầm và người không có trách nhiệm vào vườn rau nhằm bảo vệ sự cắn phá của động vật và sự xâm nhập một số nấm bệnh từ bên ngoài vào vườn rau.
Từ diện tích 2.400 m2 năm 2017 khi mới triển khai Dự án, đến nay diện tích trồng rau an toàn theo hướng Viet GAP trên địa bàn huyện đã tăng lên trên 15 ha, riêng Vĩnh Sơn hơn 4 ha trồng các loại rau ôn đới cho năng suất cao và chất lượng hơn các vùng khác, đặc biệt là chất lượng bắp cải, cải thảo, súp lơ được người tiêu dùng đánh giá cao; các sản phẩm rau an toàn Vĩnh Sơn được cấp chứng nhận rau Viet GAP và mang thương hiệu “lá Lành” hàng năm cho thu hoạch hơn 40 tấn rau các loại cung cấp cho hệ thống siêu thị, chợ truyền thống và du khách khi đến tham quan du lịch.
Cùng với Vĩnh Sơn các vùng rau mở rộng tại xã Vĩnh Quang, Vĩnh Hòa, Thị trấn Vĩnh Thạnh, Dự án rau an toàn tỉnh đã phối hợp xây dựng các mô hình trồng các loại rau giống mới (súp lơ vàng, cải bó xôi); mô hình tưới nước tiết kiệm bằng phương pháp cảm quan trên cây dưa leo; nhân rộng mô hình phòng trừ ruồi đục quả khổ qua bằng chế phẩm sinh học Entro – Pro và hỗ trợ 20 lít chế phẩm sinh học Entro – Pro cho các thành viên khác; từ 3 mô hình này đến nay diện tích trồng các giống rau mới và rau truyền thống áp dụng trồng theo hướng Viet GAP ngày một tăng lên và cây rau súp lơ vàng ở vùng mở rộng được người trồng rau coi đây là cây rau dễ trồng và cho thu nhập cao nhất.
Với những gì có được ngày hôm nay là bao vất vả của các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand và sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp – PTNT; sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở và sự quyết tâm cao của chính quyền địa phương cũng như lòng nhiệt tình ham học hỏi của người dân nơi thực hiện Dự án đã tạo nên vùng rau xanh mướt, góp phần tô đẹp cho ngành du lịch sinh thái trong thời gian đến.
Nguồn tin: Nguyễn Thái Vinh – Trung tâm DVNN Vĩnh Thạnh