Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết đến nay diện tích nuôi biển ước đạt 80.000ha, sản lượng đạt trên 750.000 tấn. Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi biển nói chung và nuôi biển công nghiệp nói riêng.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng và Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi), công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ. Nếu như nuôi biển được phát huy thì những tiêu chí, yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khó tính đều đáp ứng được.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Tiến cho rằng phát triển ngành nuôi biển ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp như quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt, hoạt động nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường. Hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp chưa phát triển đồng bộ, nguồn lực cho phát triển nuôi biển nói chung và nuôi biển công nghiệp còn hạn chế...Theo Thứ trưởng Tiến, nếu không đẩy mạnh được nuôi biển từ nay đến năm 2025 thì không có tiền đề để đạt 1,4 triệu tấn nuôi biển vào năm 2030.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thành, nhấn mạnh: Quảng Ninh là một trong 28 tỉnh ven biển có nhiều lợi thế để nuôi biển. Chỉ tính trong 10 tháng năm 2022, diện tích thủy sản nuôi trồng của Quảng Ninh đạt 32.000ha, tăng 50,66% so với cùng kỳ; trong đó diện tích nuôi biển là 20.000ha, tổng sản lượng nuôi đạt 68.000 tấn, bằng 82% kế hoạch.
"Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai các kế hoạch, quy hoạch về nuôi biển nhưng đến nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa đạt được như mong muốn. Tỉnh mong muốn các ý kiến thảo luận nêu ra những vướng mắc, khó khăn trong đầu tư phát triển nuôi biển tại Quảng Ninh để tháo gỡ, nhằm đưa nuôi biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh" - ông Thành chia sẻ.
Tham luận tại hội thảo, đại diện các tỉnh, thành phố có biển, đơn vị, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản đã nêu lên thực trạng và những hạn chế của nghề nuôi biển của Việt Nam. Đó là hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ nuôi biển còn nhiều hạn chế, chậm, dàn trải, thiếu đồng bộ. Thị trường tiêu thụ còn nhiều bất cập khi nuôi biển với quy mô công nghiệp. Việc sản xuất và cung cấp thức ăn chuyên cho nghề nuôi cá biển vẫn là một khâu chưa phát triển mạnh. Phần lớn lượng thức ăn công nghiệp cho nuôi biển do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất hoặc nhập ngoại nên khó kiểm soát được giá thành, chất lượng, nguồn gốc của thức ăn cũng như khả năng và các phương thức cung cấp. Đây là một trong những yếu tố tác động đến phát triển bền vững của nuôi trên biển hiện nay, dẫn đến nghề nuôi biển chậm phát triển. Vấn đề con giống nuôi trồng cũng chưa đáp ứng nhu cầu nuôi biển bền vững. Việc cấp phép giao mặt biển phục vụ nuôi trồng với diện tích lớn cũng còn nhiều bất cập.
Ý kiến bạn đọc