Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Địnhhttps://snnptnt.binhdinh.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 28/12/2023 09:595880
Hiện nay, chăn nuôi nông hộ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đang là hướng đi có hiệu quả cho người chăn nuôi. Nhằm giúp người chăn nuôi tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, kỹ năng về chăn nuôi gà thịt theo hướng an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm; có doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm từ đó giúp các hộ chăn nuôi nâng cao hiệu quả kinh tế.
Năm 2023, từ nguồn vốn hỗ trợ của khuyến nông trung ương, Trung tâm khuyến nông tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Hoài Ân xây dựng mô hình: “Mô hình chăn nuôi gà thịt gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại xã Ân Hữu và Ân Nghĩa thuộc huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định; với mục đích hỗ trợ các hộ dân chăn nuôi sản xuất và tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm bền vững; đồng thời, tổ chức đào tạo, tập huấn, tham quan, tổng kết, thông tin tuyên truyền kết quả mô hình để nhân ra diện rộng nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.
Chị Trần Thúy An - cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông, chủ nhiệm Dự án, trao đổi, mô hình này nhằm phát triển kinh tế theo hướng bền vững, nâng giá trị cho sản phẩm bằng việc xây dựng một chuỗi liên kết từ đầu vào cho tới đầu ra. Khi xây dựng Dự án này, chúng tôi thuyết trình và đưa ra được những minh chứng cụ thể, tính khả thi bảo vệ được Dự án trước hội đồng khuyến nông trung ương. Các hộ tham gia vào Dự án được hỗ trợ 50% chi phí con giống, vật tư; chuyển giao quy trình kỹ thuật chăn nuôi; cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định. Trong năm 2023, Trung tâm triển khai 2 đợt thả giống với quy mô 10.000 con. Mô hình thích ứng tốt với điều kiện địa hình tại địa phương, tận dụng được gò, đồi bỏ hoang, hoặc vườn cây ăn trái để chăn nuôi gà, sản phẩm mang lại ngon, đạt chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tiêu thụ sản phẩm, giá sản phẩm bán ra cao, nâng cao thu nhập cho người dân.
Mô hình chăn nuôi gà thịt gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm sau hơn 3 tháng nuôi từ khi thả giống, gà sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, khối lượng trung bình 1,7 - 1,8kg/ con đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra, tận dụng được công lao động nhàn rỗi trong nông hộ, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ chăn nuôi. Ông Nguyễn Thanh Tuấn(thôn Phú Văn 1, xã Ân Hữu), 1 trong 5 hộ tham gia thực hiện Dự án, chia sẻ, tham gia mô hình này, tôi được hỗ trợ 50% con giống, vật tư (thức ăn, chế phẩm sinh học, vắc xin) tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chăn nuôi. Trong 3 tháng thực hiện, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông thường xuyên kiểm tra, giải đáp các thắc mắc và hướng dẫn tường tận từng khâu trong chăm sóc đàn gà. Đàn gà phát triển tốt, phái Trung tâm Khuyến nông kết nối để HTXNN Thanh niên Hoài Ân mua toàn bộ sản phẩm theo giá trị trường.
Tương tự, ông Trần Thanh Quan (thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa), cho hay, nhờ tham gia vào Dự án, ông được học hỏi thêm kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ vào chăn nuôi an toàn; tận dụng được không gian vườn để có chỗ cho gà di chuyển, tận dụng thêm phế phụ phẩm nông nghiệp để phối trộn thức ăn nhằm hạn chế được chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi. Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, qua thực tế và tổng kết mô hình, chúng tôi nhận thấy người dân tham gia mô hình hợp tác tốt, thực hiện đúng các bước trong chăn nuôi an toàn, đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của đơn vị thu mua. Thành công bước đầu của dự án là cơ sở để Trung tâm chuyển giao kỹ thuật, công nghệ chăn nuôi an toàn, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; gia tăng giá trị cho sản phẩm chăn nuôi của địa bàn huyện Hoài Ân. Về phía HTXNN Thanh niên Hoài Ân, hiện đơn vị đã thương thảo với các hộ chăn nuôi tiếp tục kéo dài thời gian nuôi thêm 1 tháng để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm. HTX thu mua theo giá thị trường, đảm bảo được lợi nhuận cho người dân. Toàn bộ số gà thả nuôi trong Dự án này được HTX bao tiêu trọn gói, đảm bảo đúng cam kết. Ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, đánh giá, mô hình liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm của Trung tâm khuyến nông – Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định triển khai trên địa bàn là hướng đi mà ngành nông nghiệp triển khai để nâng cao chất lượng cho nông sản của địa phương. Với riêng đàn gia cầm, chú trọng là gà hiện Hoài Ân đang triển khai đẩy mạnh chăn nuôi gà ta thả vườn, thả đồi, khuyến khích người dân đầu tư sản xuất và kêu gọi các DN tham gia vào chế biến sâu.