Đây là thành công mới trong công tác mở cửa thị trường nông sản rộng lớn và quan trọng hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc, mở ra nhiều kỳ vọng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cho toàn ngành nông nghiệp.
Từ tháng 7/2022, khi sầu riêng tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đã tăng cao, đạt 2,3 tỷ USD trong năm 2023; trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 90%. Việc Trung Quốc mở cửa cho sầu riêng đông lạnh Việt Nam sẽ tạo thêm một cơ hội để ngành hàng này nâng cao giá trị gia tăng, hạn chế rủi ro khi phụ thuộc vào xuất khẩu sản phẩm tươi.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, với nghị định thư mới ký kết, sầu riêng đông lạnh sẽ sớm gia nhập vào nhóm mặt hàng xuất khẩu tỷ đô ngay trong năm 2025; đồng thời sẽ trở thành “lực đẩy” lớn cho mặt hàng sầu riêng cán đích kim ngạch xuất khẩu 3,5 tỷ USD như kỳ vọng, đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả đạt mục tiêu mới khoảng 7 tỷ USD trong năm 2024.
Cùng với sầu riêng đông lạnh, dừa tươi Việt Nam chính thức tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân cũng là tin vui đối với người trồng dừa trên cả nước. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể tăng thêm 200-300 triệu USD trong năm 2024 và sẽ tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo. Việt Nam hiện thuộc tốp 10 nước trồng dừa lớn nhất thế giới, với diện tích gần 200.000 ha, sản lượng khoảng 2 triệu tấn/năm, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài sầu riêng đông lạnh và dừa tươi, sản phẩm cá sấu nuôi được ký nghị định thư cũng góp phần tạo ra sự đa dạng trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, cùng với việc mở cửa thị trường xuất khẩu thì các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn, kiểm dịch động, thực vật chắc chắn cũng sẽ chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ phía Trung Quốc. Do đó đòi hỏi người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ nghiêm các quy định, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Mặt khác, khi sầu riêng đông lạnh, dừa tươi được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc có thể sẽ tạo ra “làn sóng” mới trong mở rộng diện tích trồng, dễ dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Đây là vấn đề các địa phương cần quan tâm điều chỉnh kịp thời. Song song đó là công tác cấp mới và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cần được đẩy mạnh và quản lý, giám sát chặt chẽ, hiệu quả hơn.
7 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc vẫn là một trong ba thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20,5%, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2023. Với ba nghị định thư mới được ký kết, xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục “bùng nổ”, là cơ sở thuận lợi cho việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp năm 2024 đạt 54 đến 55 tỷ USD.
Nguồn tin: Theo nhandan.vn
Ý kiến bạn đọc