Theo đó, mục tiêu xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật trên cơ sở thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; huy động các nguồn lực xã hội; phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và giá trị của rừng để phát triển bền vững; đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đảm bảo duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42% đến 43%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên hiện có. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5,0% đến 5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025 và 25 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030; giá trị tiêu thụ đồ gỗ và lâm sản trong nước đạt 5 tỷ đô la Mỹ (quy đổi) vào năm 2025, 6 tỷ đô la Mỹ (quy đổi) vào năm 2030.
Đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng 1,5 lần, đến năm 2030 tăng 2 lần so với năm 2020.
Đến 2030, 100% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức được quản lý bền vững nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học và đảm bảo chức năng phòng hộ của rừng, giảm thiểu tối đa các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Đến năm 2050, xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật, phát huy tiềm năng và lợi thế của tài nguyên rừng nhiệt đới; ứng dụng công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường; tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ, giá trị gia tăng cao, chủ động tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu; đóng góp ngày càng tăng vào sự phát triển bền vững của đất nước; góp phần cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và không gian sinh tồn của đồng bào các dân tộc; bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước...
Nguồn tin: Sở NN và PTNT Bình Định
Ý kiến bạn đọc