Chăn nuôi chịu nhiều thiệt hại do dịch COVID-19
Ông Đoàn Xuân Trúc – Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, ở nước ta, chăn nuôi lợn đang cung cấp gần 70% nhu cầu thịt cho xã hội. Khi COVID- 19 làm đứt gãy các khâu sản xuất và cung ứng thì chăn nuôi lợn và chăn nuôi gia cầm chịu hậu quả tức thì. Quy định giãn cách xã hội dẫn đến nhiều khó khăn cho khâu vận chuyển do thiếu phương tiện, phát sinh thêm thủ tục, thêm chi phí, gây ách tắc cục bộ ở nhiều nơi, nhất là ở nhiều đô thị đông dân cư. Quy định hạn chế hoặc tạm dừng nhiều hoạt động đang làm giảm rất lớn nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm chăn nuôi. Có thể kể đến, việc dừng các hoạt động du lịch, hội họp, các sự kiện tập trung đông người, trường học, việc giảm quy mô sản xuất ở các nhà máy, công xưởng, đóng cửa các quán ăn, nhà hàng… đang làm giảm phần lớn nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thịt, trứng.
Bên cạnh đó, cơ cấu bữa ăn hàng ngày của người dân cũng có sự thay đổi, bởi cần ưu tiên trang trải chi phí phát sinh trong phòng chống COVID-19 và phù hợp với việc giảm thu nhập do ít việc làm hơn.
Sản phẩm là vật nuôi ứ đọng, khó tiêu thụ cộng với nhu cầu giảm gây tình trạng dư thừa. Điều này dẫn đến việc người chăn nuôi chịu nhiều rủi ro chồng chất.
Trong thời gian qua (từ tháng 7/2021), giá thịt lợn đã giảm nhiều, bình quân chỉ còn 51.000 – 54.000 đ/kg lợn hơi. Trong khi giá bán vào thời điểm đầu năm 2021 là từ 81.000 đến 85.000 đ/kg. Đây là mức giá bán thấp nhất kể từ tháng 10/2019.
Không chỉ đối với chăn nuôi lợn, người nuôi gà thịt bị thua lỗ nặng nề, chỉ bán gà thịt (đa số phải nuôi quá lứa) với giá rẻ, dưới 15.000 đ/kg, có nơi giá xuất tại chuồng nuôi chỉ còn 10.000 đ/kg. Đại dịch COVID-19 còn gây tổn thất lớn cho chăn nuôi gà giống. Do ách tắc khâu vận chuyển bằng máy bay và ô tô khiến hàng chục triệu con gà giống và trứng giống bị ảnh hưởng, thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Đầu ra giảm trong khi giá đầu vào vật tư tăng
Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, người chăn nuôi không chỉ chịu khó khăn, thiệt hại khi giá bán sản phẩm giảm mạnh vì khó tiêu thụ mà còn gặp khó về đầu vào khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong những tháng gần đây.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tính bình quân 6 tháng đầu năm 2021, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ 2020, trong đó tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc. Cụ thể: ngô hạt 7.616,7 đ/kg (tăng 35,1%), khô dầu đậu tương 13.091 đ/kg (tăng 35,5%), cám mì 6.716,7 đ/kg (tăng 32,8%), sắn lát 5.994,4 đ/kg (tăng 19,2%)…
Do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm 6 tháng đầu năm 2021 đều tăng so với cùng kỳ 2020. Cụ thể: thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt từ 60kg đến xuất chuồng 10.785,8 đ/kg (tăng 14,6%); thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông màu 10.885,4 đ/kg (tăng 14,4%); thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông trắng 11.206,9 đ/kg (tăng 12,1%).
Nguyên nhân giá thức ăn chăn nuôi tăng do giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới đều tăng do chi phí sản xuất tăng cao, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng... Đồng thời, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên chi phí vận chuyển tăng do thiếu tàu biển và container vận chuyển hàng hóa nói chung, trong đó có mặt hàng thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, do những thay đổi khâu logistic, từ tháng 7/2021, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã dần giảm nhưng do chưa có tàu biển và thiếu container vận chuyển nên đa số các công ty thức ăn chăn nuôi chưa nhập được nguyên liệu giảm giá.
Việc giá thức ăn chăn nuôi tăng trong khi đây là yếu tố chiếm tới 75% giá thành sản xuất, lại liên tục tăng nhiều đợt trong khi giá bán các sản phẩm chăn nuôi xuống thấp khiến không ít hộ chăn nuôi từ chăn nuôi lợn, gà, vịt đến thủy sản đều thua lỗ. Do giá bán sản phẩm giảm sâu, tiêu thụ khó khăn, sản xuất thua lỗ nên khá nhiều trang trại chăn nuôi phải giảm quy mô, nhiều nông hộ phải bỏ trống chuồng…
Cần có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi
Để tháo gỡ những khó khăn của ngành chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay, theo ông Đoàn Xuân Trúc – Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, các địa phương vẫn cần tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan trên diện rộng.
Mặt khác, cần có chính sách về lãi suất tiền vay, chính sách về đất đai cho người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn, chăn nuôi an toàn sinh học theo chu kỳ sản xuất. Trong đó, thực hiện cho vay ưu đãi, giãn nợ, xóa nợ, tạm thời chưa thu nợ (như nợ trả lãi và nợ gốc cho ngân hàng, nợ tiền sử dụng đất, tiền nộp thuế thu nhập doanh nghiệp…). Đồng thời, miễn giảm các khoản người chăn nuôi cần chi trả như chi phí điện, nước, phí môi trường, phí kiểm dịch…
Cũng theo ông Đoàn Xuân Trúc, trong điều kiện dịch COVID-19 rất phức tạp và còn kéo dài, cần có các cơ chế, chính sách để đảm bảo thuận lợi cho hoạt động phân phối lưu thông, cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm của ngành chăn nuôi. Cần quy định nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y phục vụ trực tiếp cho chăn nuôi; các sản phẩm đầu ra như thịt, trứng, sữa là những mặt hàng thiết yếu.
Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế xem xét xếp các đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất con giống vật nuôi, chế biến thịt, sữa và vận chuyển cung ứng thịt, trứng, sữa phục vụ tiêu dùng, chuyên chở thức ăn chăn nuôi là những đối tượng được ưu tiên tiêm phòng vắc xin phòng chống COVID-19.
Đặc biệt, theo ông Trúc, cần sớm có quy định về việc thu mua, giết mổ, chế biến và dự trữ thịt gà, thịt lợn khi ứ đọng, chậm tiêu thụ do cung vượt cầu, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… nhằm giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi, tham gia điều tiết thị trường, góp phần bảo vệ người tiêu dùng và chủ động điều hành sản xuất trong nước và lộ trình nhập khẩu thịt hàng năm.
Về lâu dài, cần hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với vai trò của doanh nghiệp làm trọng tâm trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cơ sở giết mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ lợn xuất chuồng đến người tiêu dùng, bảo đảm lợi ích của người chăn nuôi, người cung ứng và người tiêu dùng. Kiểm tra ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động xuất, nhập khẩu lợn giống, lợn thịt và các sản phẩm thịt lợn trái phép./.
Tác giả bài viết: dangcongsan.vn/
Ý kiến bạn đọc