Đây là hội thảo đầu tiên của ngành cao su Việt Nam, nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị trong ngành trao đổi trực tiếp các cơ quản lý nhà nước, để giải quyết các vướng mắc, để tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu cao-su thiên nhiên của Việt Nam ước đạt gần 1,4 triệu tấn với giá trị 2,3 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và tăng 6,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2021. Hằng năm, đóng góp của ngành cao-su đối với ngân sách Nhà nước gồm các sản phẩm chính từ cao-su thiên nhiên, sản phẩm công nghiệp cao-su và gỗ cao-su vào khoảng 7-8 tỷ USD.
Ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng những kết quả trên chính là nhờ sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp ngành cao su nhằm duy trì sản xuất, đảm bảo sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng liên tục. Không chỉ đóng góp vào kinh tế, cao-su có những đóng góp vào độ che phủ rừng, an ninh quốc phòng, giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, chủ trương của Chính phủ Việt Nam là không mở rộng diện tích cao-su nên ngành cao-su tập trung tăng năng suất qua sử dụng giống cao sản, cơ giới hóa, áp dụng khoa học, kỹ thuật bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, tiếp tục nghiên cứu phát triển bền vững. Đây là những yếu tố giúp ngành cao-su Việt Nam gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, theo VRA, bên cạnh những thuận lợi, ngành cao-su Việt Nam còn gặp không ít khó khăn, thách thức từ thị trường thế giới và những vướng mắc do yếu tố nội tại về chính sách, gây hạn chế năng lực cạnh tranh của ngành cao-su và doanh nghiệp cao-su Việt Nam.
Một số chính sách thuế gây vướng mắc và nhiều khó khăn cho doanh nghiệp cao su như: phải kê khai thuế giá trị gia tăng đối với cao su sơ chế trong khâu kinh doanh thương mại, chưa được hưởng chính sách như các sản phẩm trồng trọt khác, chính sách thuế thu nhập từ gỗ cao su trên vườn cây như thu nhập bất thường.
Mặt khác, việc xây dựng thương hiệu ngành cao su chưa nhận được sự hỗ trợ phát triển đồng bộ từ các cơ quan Bộ ngành.
Tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp nêu những vướng mắc, những kiến nghị tập trung tháo gỡ 4 vấn đề về cơ chế chính sách.
Đó là, đề nghị xem xét áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mủ cao-su sơ chế như chính sách đang áp dụng với những nông, thủy sản sơ chế khác; xem xét áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ thu hoạch gỗ cây cao-su thanh lý như đang áp dụng với các sản phẩm trồng trọt khác; xem xét miễn giảm tiền thuê đất đối với diện tích đất trồng của vườn cây cao-su đang tái canh trong thời gian xây dựng cơ bản do chưa có mủ cao-su.
Ngoài ra, VRA cũng kiến nghị các Bộ liên quan có các chính sách hỗ trợ trong công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh và đăng ký bảo hộ tại thị trường nước ngoài tương tự như các nông sản khác. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đăng ký tham gia để góp phần phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Cao-su Việt Nam” thành thương hiệu nông sản quốc gia.
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, nhận định: “Qua buổi hội thảo, các Bộ ngành đã ghi nhận, chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp ngành cao su. Thời gian tới, VRA sẽ là cầu nối doanh nghiệp cao su với các Bộ ngành liên quan để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, giúp ngành cao su phát triển ổn định. Bên cạnh đó, VRA và VRG phối hợp cùng Bộ NN & PTNT hoàn thiện đề án chiến lược ngành cao su Việt Nam định hướng đến năm 2023 và tầm nhìn đến năm 2045”.
Ý kiến bạn đọc