Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chủ trì cuộc họp.
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mùa bão ở Việt Nam thường tập trung nhiều nhất vào các tháng 8-9-10. Siêu bão Utor đã là cơn bão thứ 3 xuất hiện trên biển Đông kể từ đầu tháng 8.
Đây là điều khá bất thường bởi theo số liệu quan trắc chỉ có 3 cơn bão hoạt động trên biển Đông trong tháng 8 là vào các năm 1973 và 1995. Do vậy, từ nay đến hết tháng 8 mà vẫn xuất hiện thêm 1-2 cơn bão nữa thì đây là trường hợp đặc biệt.
Ông Hải cho biết, việc xuất hiện 3 cơn bão liên tiếp trong đầu tháng 8/2013, chỉ là vấn đề bộc phát của vùng gió xoáy, hình thành trên vùng biển nhiệt đới.
Ông Hải dự báo, cơn bão số 7 nhiều khả năng không trực tiếp đi vào vùng đất liền của Việt Nam. Tuy vậy, do ảnh hưởng của bão, trên khu vực vịnh Bắc Bộ sẽ có gió mạnh cấp 6.
Riêng các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng có thể có gió mạnh đến cấp 9, cấp 10. Từ ngày 15/8 đến hết ngày 17/8, các tỉnh, thành phía Bắc có mưa, mưa vừa, mưa to đến rất to tập trung ở một số tỉnh vùng núi như Lạng Sơn, Cao Bằng ...
Để chủ động ứng phó với cơn bão này, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Công điện số 45/CĐ-TW ngày 11/8 của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.
Các địa phương cần theo dõi sát diễn biến của bão, nhanh chóng thông tin cho các tàu, thuyền tìm nơi tránh trú, đảm bảo việc tiêu rút nước tại khu vực nội đồng không để xảy ra tình trạng úng ngập, gây ảnh hưởng đến cây trồng nông nghiệp.
Riêng hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để có thể quyết định cấm biển.
Các tỉnh vùng núi phía Bắc cần phải đảm bảo an toàn hồ đập, có phương án di dời dân khỏi các vùng dễ xảy ra hiện tượng sạt lở và lũ quét.
Trước diễn biến đáng lo ngại của bão Utor và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an đã có công điện gửi các Tổng cục IV,VII, VIII, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn công an các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên chỉ đạo đối phó với bão Utor và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông thực hiện các biện pháp cần thiết để chủ động ứng phó.
Theo đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Công an các đơn vị trên chỉ đạo lực lượng Công an cơ sở tại các tỉnh, thành phố ven biển phối hợp với Bộ đội Biên phòng rà soát, nắm danh sách số phương tiện, ngư dân đang hoạt động trên vùng biển nguy hiểm để kêu gọi, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi tránh, trú an toàn.
Khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới là vùng biển phía Bắc vĩ tuyến 11, phía Nam vĩ tuyến 16 và vùng biển Đông Bắc biển Đông. Tùy theo diễn biến của bão và áp thấp nhiệt đới, vùng nguy hiểm sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.
Các đơn vị khẩn trương triển khai kế hoạch, phương án phòng chống bão, áp thấp nhiệt đới; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu./.
Tác giả bài viết: BNN
Ý kiến bạn đọc