Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám khẳng định điều này khi trao đổi với báo chí xung quanh việc ban hành Nghị định 67.
Nhiều nhà khoa học lo ngại khi thực hiện Nghị định 67 là chúng ta chưa có nghiên cứu cụ thể về ngư trường, nên việc đóng tàu lớn có thể dẫn tới lãng phí. Ông nghĩ sao về điều này?
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Thực tế, trong 3 năm qua, Bộ NNPTNT đã tập trung điều tra, dự báo và đến nay đã có số liệu trữ lượng về nguồn lợi, biến động của các nhóm thủy sản quan trọng như: Cá ngừ, cá nổi lớn, cá nổi nhỏ, cá đáy và một số đối tượng ven bờ khác.
Cuối năm nay Bộ sẽ hoàn thiện điều tra nghề cá thương phẩm ở các địa phương và có cơ sở dữ liệu cơ bản về thủy sản, làm cơ sở quan trọng cho quy hoạch tàu cá. Từ đó, chúng ta có thể tính toán sản lượng tối đa cho phép khai thác để đưa ra số lượng tàu phù hợp.
Bộ cũng sẽ triển khai quy hoạch phát triển tàu theo nhóm nghề và ngư trường. Vấn đề này đã được Bộ chỉ đạo triển khai tích cực ngay từ khi xây dựng nghị định trên cơ sở định hướng quy hoạch giai đoạn 2016-2020 để đưa ra tỷ lệ phát triển đóng mới số lượng tàu phù hợp với từng nhóm nghề, từng địa phương, gắn với từng vùng biển.
Hiện nay nhiều người lo ngại về việc Bộ đưa ra một mẫu tàu thì khó có thể phù hợp với ngư dân cả nước, xin ông cho biết thêm về vấn đề này?
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Hiện Bộ NNPTNT đã đặt hàng các đơn vị thiết kế 24 mẫu tàu cho 6 loại nghề cá theo các quy mô khác nhau. Các thiết kế này đảm bảo không những phù hợp với từng nghề mà còn dựa trên nghiên cứu thói quen sử dụng của ngư dân Việt Nam. Bộ cũng giao các đơn vị phải hoàn thiện mẫu tàu trước ngày 25/8 tới.
Ngư dân có quyền được lựa chọn mẫu tàu theo danh mục 24 mẫu do Bộ NNPTNT ban hành. Mặt khác, ngư dân cũng có thể chọn các đơn vị khác thiết kế mẫu tàu riêng. Tuy nhiên, nếu ngư dân muốn, vẫn có quyền đóng tàu không trong 24 mẫu này, tuy nhiên phải thuê tư vấn thiết kế đàng hoàng. Chi phí thuê này khá lớn, chiếm khoảng 5-6% giá trị tàu. Chính vì vậy, Bộ đã yêu cầu các đơn vị phải thiết kế được các mẫu tàu tốt nhất để giúp ngư dân dễ lựa chọn và tiết kiệm chi phí.
Chúng tôi cũng tính đến việc vận hành những tàu này sao cho hiệu quả trong điều kiện hiện nay. Với trang thiết bị hiện đại, ngư dân cũng như chủ tàu nhất định phải được đào tạo. Chính sách hỗ trợ lần này cũng đã xác định sẽ hỗ trợ 100% phí đào tạo vận hành tàu; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật khai thác; hỗ trợ kỹ năng bảo quản trang thiết bị, bảo quản sản phẩm trên tàu. Có thể chúng tôi sẽ thuê cả những chuyên gia của Nhật Bản để giảng dạy về vấn đề này. Cùng với đó, Bộ NNPTNT sẽ chỉ đạo các đội tàu cố gắng cử ra những tổ trưởng có năng lực tập hợp ngư dân để giảm thiểu rủi ro khi đi biển.
Từ trước đến nay đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng việc tiếp cận vốn vẫn là điều khó khăn đối với ngư dân. Vậy tính khả thi của chính sách lần này thế nào?
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Đây là lĩnh vực thuộc về ngành Ngân hàng.
Nhưng tôi có thể thông tin như thế này, từ trước đến nay ngư dân Việt Nam hay vay vốn lưu động của dân cho vay nặng lãi hoặc vay chịu của chủ tàu vựa. Nhiều chuyến đi biển về trả hàng là hải sản vừa đánh bắt được để trừ nợ. Giá trị của các hải sản đôi khi bị thương lái ép giá nên ngư dân rất thiệt thòi.
Tại điều 4 Nghị định 67 về chính sách tín dụng đã đề cập đến chính sách cho vay vốn lưu động, vay đóng tàu và chính sách tín dụng ngắn hạn. Tuy nhiên, để vay được vốn này, vai trò của tổ chức tín dụng và lãnh đạo địa phương là rất quan trọng để giúp ngư dân có đủ điều kiện để vay vốn.
Xin ông cho biết bao giờ sẽ có thông tư hướng dẫn Nghị định này?
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Dự kiến thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ sẽ ban hành trước 25/8.
Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ có những hướng dẫn cụ thể để giúp các địa phương triển khai nghị định này.
Có thể nói đây là Nghị định được kết tinh bởi những chính sách để thúc đẩy ngành thủy sản phát triển trước đây. Nghị định này đã chọn lọc qua những bài học thành công và thất bại của những chính sách hỗ trợ cho ngư dân cũng như phát triển hậu cần nghề cá.
Khi xây dựng Nghị định này, chúng tôi cũng tính đến việc nếu người dân ồ ạt đăng ký đóng mới và cải hoán tàu cá, không cẩn thận sẽ xảy ra tình trạng tàu nằm bờ do không khai thác hết khả năng, gây thiệt hại cho ngư dân.
Chính vì vậy, các chủ tàu muốn được hỗ trợ tín dụng đóng tàu xa bờ phải đăng ký với UBND xã, sau đó xã sẽ xác nhận các chủ tàu này đi biển đi vùng nào, làm nghề nào rồi tổng hợp số liệu lên huyện, tỉnh để phê duyệt.
Việc đăng ký này vừa giúp nắm bắt nhu cầu vay vốn, vừa nắm bắt xem nghề gì đang phát triển, hoặc nghề gì nguồn lợi đang bị cạn kiệt thì không phát triển nữa. Mặt khác, trong quá trình giải ngân, phía ngân hàng cũng sẽ tham gia giám sát. Chúng ta khuyến khích đóng tàu, nhưng phải phát triển có định hướng, có lợi cho ngư dân./.(chinhphu)
Tác giả bài viết: chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc