Năm 2015, ông Đông lặn lội đi học nghề ươm cây keo giống để phục vụ cho phong trào trồng rừng đang nở rộ ở huyện miền núi An Lão lúc bấy giờ. Chỉ từ vài chục triệu đồng vốn vay mượn ban đầu, ông khởi nghiệp làm vườn ươm với mảnh đất khoảng 500 m2 trong vườn nhà. Dần dần, vườn ươm phát triển tốt, được nhiều người tìm đến mua cây giống. Đến nay, vườn ươm đã mở rộng lên hơn 2 ha, mỗi năm cung cấp 3 - 4 triệu cây giống cho các địa phương trong và ngoài huyện.
Một trong những yếu tố giúp vườn ươm của ông Đông có sức cạnh tranh ngày càng lớn trên thị trường là cây giống luôn tốt, sống khỏe. Có được điều này là do ông mạnh dạn học hỏi những kỹ thuật mới, áp dụng KHKT vào quá trình chăm sóc cây giống. Theo ông Đông, trên diện tích 2 ha, ông đã đầu tư hệ thống tưới tự động hoàn toàn, giúp cây được cấp đủ nước, phát triển đều, chất lượng cây luôn ở mức cao, được khách hàng tin mua.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Đông còn tạo việc làm cho 7 lao động trên địa bàn huyện, với mức thu nhập hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn kỹ thuật, giúp nhiều hộ làm ăn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo.
Ông Hồ Văn Đông chia sẻ: Từ vườn ươm, mỗi năm gia đình tôi có lãi gần 300 triệu đồng. Cùng với bán cây keo giống, vợ chồng tôi chuyển đổi 5 ha đất đồi của gia đình để trồng keo lấy gỗ. Sau 5 năm mỗi lứa keo thu về 450 triệu đồng, tính ra mỗi năm lãi hơn 70 triệu đồng. Hiện tôi bắt đầu trồng cây mai cảnh để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Bà Trần Thị Đông, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hòa cho biết: Ông Hồ Văn Đông là nông dân điển hình ở xã. Không những làm giàu cho gia đình, ông Đông còn giúp đỡ, hướng dẫn cách sản xuất cây giống lâm nghiệp cho một số bà con trong xã có nhu cầu. Mới đây, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định, giúp đỡ nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.