* Tại tỉnh Bình Định, nhiệm vụ chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp được triển khai thực hiện ra sao, thưa ông?
- Bình Định đang tích cực thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trên nhiều ngành, trong đó nông nghiệp là một trong những ngành được ưu tiên. Sở NN&PTNT đã thành lập ban chỉ đạo CĐS của ngành, ban hành cụ thể kế hoạch, giải pháp triển khai, đặc biệt là trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi và phòng chống thiên tai.
Trong lĩnh vực trồng trọt, chúng tôi ứng dụng phần mềm phòng ngừa, phát hiện sâu bệnh trên cây trồng. Trong nuôi thủy sản, chúng tôi triển khai các ứng dụng: Thu thập dữ liệu chất lượng nước nuôi trồng thủy sản (với các tiêu chí nhiệt độ, độ mặn, độ pH, DO, kiềm...) bằng đầu dò cảm biến tự động; cảnh báo trực tuyến khi chất lượng nước không đạt yêu cầu.
Ứng dụng phần mềm các Mapinfo, QGIS để theo dõi diễn biến rừng; phát hiện sớm các biến động về rừng và đất lâm nghiệp thông qua phần mềm Vtools mapinfo; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi; cảnh báo trực tuyến về dịch bệnh động vật. Ngoài ra, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở TT&TT, Viễn thông Bình Định cập nhật phần mềm quản lý thiên tai tỉnh Bình Định…
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT còn hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, HTX, tổ hợp tác đưa nhiều mặt hàng nông sản chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử (postmart.vn; voso.vn…). Cập nhật và đưa dữ liệu liên quan hồ sơ mã số vùng trồng lên cơ sở dữ liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tại địa chỉ https://csdltrongtrot.mard.gov.vn. Đến nay, đã cấp được 7 mã số vùng trồng với diện tích 53,8 ha (cây đậu phụng, dưa lê, bưởi - mỗi loại 1 mã và rau 4 mã).
* Ông đánh giá chuyển đổi số đem lại những lợi ích gì cho nông dân?
- CĐS mang lại rất nhiều lợi ích, rất khó có thể liệt kê ra, hơn nữa các lợi ích sẽ còn phát sinh theo thực tế sản xuất, khi đáp ứng các nhu cầu của đời sống. Có thể hình dung thế này, CĐS giúp nông dân, DN làm ra nông sản chất lượng cao hơn, chi phí thấp nhất, hiệu quả kinh tế tốt hơn. Chẳng hạn, việc cấp, quản lý mã số vùng trồng phục vụ truy xuất nguồn gốc, giúp ngành nông nghiệp chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất nông sản. Từ đó, kiểm soát được chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, giúp người tiêu dùng tiếp cận được các dòng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng cao.
* Nhưng vẫn còn đó rất nhiều khó khăn, thách thức…
- Đúng vậy! Nhận thức của hầu hết các địa phương, DN và đặc biệt là nông dân về CĐS còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ, phân tán, trình độ cơ giới hóa còn thấp và chưa sử dụng nhiều công nghệ hỗ trợ. Hạ tầng công nghệ thông tin kết nối hiện nay chưa đồng bộ, khu vực vùng sâu, vùng xa khó kết nối với hệ thống thương mại điện tử, điều kiện vận chuyển, giao nhận có nhiều trở ngại. Việc tiếp cận công nghệ số và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt năng lực về công nghệ của đội ngũ nhân lực làm việc ở lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế; phần lớn hạ tầng kỹ thuật các DN, cơ sở sản xuất chưa đủ đáp ứng để CĐS.
Để cải thiện, nâng cao hơn nữa tiến độ thực hiện CĐS trong ngành nông nghiệp, Sở NN&PTNT đang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức cho nông dân, DN, HTX… hiểu đúng về vai trò của CĐS, nhất là ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đến các thôn, làng, nhằm nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân.
* Xin cảm ơn ông!
Ý kiến bạn đọc