Nhiều khó khăn
Luật Thủy lợi 2017 đã quy định về chủ sở hữu, chủ quản lý và chủ khai thác công trình thủy lợi (CTTL). Quy định chuyển từ phí sang giá là bước chuyển từ thủy lợi phục vụ sang thủy lợi dịch vụ, giúp người quản lý và người sử dụng dịch vụ hiểu rõ hơn về dịch vụ thủy lợi là chi phí đầu vào trong sản xuất, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Luật cũng quy định xã hội hóa đầu tư CTTL với mục tiêu huy động tối đa nguồn lực từ các DN, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực thủy lợi, Nhà nước chỉ tập trung đầu tư các CTTL đặc biệt quan trọng; CTTL kết hợp phục vụ quốc phòng, an ninh; phòng chống thiên tai; CTTL ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn…
Nhà nước quy định giá tối đa dịch vụ thủy lợi công ích, như phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất muối, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi; thoát lũ, ngăn lũ, ngăn triều cường, ngăn mặn, giữ ngọt… Còn các dịch vụ thủy lợi khác, như cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp; tiêu nước cho khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao; kinh doanh du lịch và các hoạt động vui chơi giải trí khác; nuôi cá trong hồ… được ban hành mức giá cấp nước khác nhau.
Ông Lê Trung Cang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định, cho rằng: “Thực hiện xã hội hóa lĩnh vực thủy lợi thì hạ tầng thủy lợi sẽ tốt hơn, giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư CTTL rất lớn nên việc kêu gọi DN, tổ chức, cá nhân khác cùng tham gia đầu tư là rất khó. Nhà nước cần có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ ưu đãi để thu hút nhà đầu tư trên lĩnh vực khai thác CTTL”.
Theo ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT): Xã hội hóa lĩnh vực thủy lợi là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là xu thế tất yếu, vì thực tế hiện nay các CTTL chủ yếu phục vụ tưới cho trồng trọt; nhiều nhất là sản xuất lúa, rồi đến cây trồng cạn. Trong khi các lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ, dân sinh… cũng có nhu cầu nước rất lớn. Tuy nhiên, quá trình xã hội hóa thủy lợi liên quan đến nhiều vấn đề, như định giá tài sản, lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức đấu thầu… sẽ gặp nhiều trở ngại trong xã hội hóa theo luật định.
Cần xã hội hóa quản lý, khai thác CTTL
Theo ông Lê Trung Cang, hiện nay, có một số đơn vị xây dựng phương án hợp đồng lấy nước từ các CTTL để cấp nước thô cho các nhà máy xử lý nước sinh hoạt. Phục vụ phát triển KT-XH, các CTTL sẽ mở rộng được dịch vụ, đem lại hiệu quả cao, nhưng muốn thực hiện được xã hội hóa lĩnh vực thủy lợi nói chung, trước mắt cần thực hiện xã hội hóa trong quản lý để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận.
Thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực thủy lợi sẽ phát huy năng lực khai thác CTTL, nâng cao ý thức người sử dụng nước. Đa dạng hóa các hình thức đầu tư; khuyến khích, tạo điều kiện để DN, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác CTTL sẽ góp phần nâng cao hạ tầng, hiện đại hóa CTTL.
Về vấn đề này, ông Phan Xuân Hải cho hay: “Chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT và UBND tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền Luật Thủy lợi và xã hội hóa lĩnh vực thủy lợi. Song, đây là lĩnh vực mới, chưa có văn bản quy định cụ thể về tiềm năng, chính sách đầu tư thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, khảo sát thiết kế, giá đất không thu tiền… nên việc đầu tiên cần tập trung triển khai là xã hội hóa trong quản lý, khai thác CTTL”.
Tác giả bài viết: NGỌC NHUẬN
Ý kiến bạn đọc