Mực khai thác được xẻ và rửa sạch bằng nước biển, phơi nắng trên bề mặt boong tàu, bằng cách đặt trên lưới cước hoặc móc trên các đinh sắt được đóng cố định trên các vỉ gỗ hoặc tre.
Khi trời mưa vỉ gỗ hoặc tre dễ bị thấm nước làm cho trọng lượng tăng lên, kết hợp với các cây đinh dễ bị rỉ sét do sử dụng trong môi trường nước biển có nguy cơ gây ảnh hưởng đến VSATTP mực khô. Mặt khác, hệ thống giàn phơi quá cồng kềnh, làm ảnh hưởng đến tính ổn định của tàu và diện tích boong nhỏ, trong khi việc phơi khô phụ thuộc vào thời tiết, dẫn đến chất lượng sản phẩm không ổn định.
Khi nắng tốt, thời gian làm khô mực khoảng (15 – 38) giờ, cần khoảng (3 – 4) kg mực nguyên liệu để cho ra 01 kg mực khô có phẩm cấp đạt loại tốt, màu hồng tươi, tỉ lệ hao hụt nhiều nhất khoảng 2 %. Giá khoảng (40.000 – 120.000) đồng/kg mực xà và (300.000 – 400.000) đồng/kg mực ống.
Khi đêm đến hoặc gặp trời không nắng (âm u, mưa) thì người ta chuyển các vỉ phơi này vào buồng máy để dùng quạt làm khô, hoặc đốt bằng than, hoặc sấy bằng gas, rất dể bị cháy nổ, hoặc có thể hấp thụ mùi dầu máy và thường không đủ nhiệt độ làm khô, mực bị mốc, ẩm ướt, không đảm bảo chất lượng và vệ sinh ATTP.
Khi thời tiết xấu, thời gian làm khô mực khoảng (16 – 50) giờ, phẩm cấp đạt loại khá, trung bình, hoặc kém, mực ẩm, màu vàng úa, hoặc thâm đen, mùi hôi, vị đắng, có khi thối hỏng, phải đổ bỏ xuống biển, tỉ lệ hao hụt có thể đến (30 – 50)%. Giá khoảng (30.000 – 60.000) đồng/kg mực xà và (200.000 – 350.000) đồng/kg mực ống.
Thời tiết làm ảnh hưởng đến chất lượng và VSATTP, dẫn đến chênh lệch giá sản phẩm mực khô. Do đó, cần có sự thay đổi, cải tiến kỹ thuật làm khô mực theo hướng chủ động và ổn định về chất lượng và VSATTP, tăng giá bán sản phẩm.
Trong hoạt động FSPS II BĐ/ POSMA/ 2012/ 1.3.8 “Hỗ trợ xây dựng mô hình bảo quản sản phẩm mực khô đảm bảo an toàn vệ sinh trên tàu cá”, vào ngày 30/6/2012, Ban Quản lý Chương trình FSPS II Bình Định phối hợp với ĐH Nha Trang và Chi cục Khai thác và BVNLTS đã tổ chức lắp đặt thiết bị sấy mực của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Nha Trang trên tàu khai thác thủy sản BĐ – 91251 – TS, của ông Nguyễn Dương, hiện cư trú ở phường Lê Hồng Phong, thành phố Quy Nhơn, hành nghề câu cá ngừ đại dương kiêm nghề khai thác mực xà tại ngư trường Trường Sa.
Thiết bị này hoạt động theo nguyên tắc thu lại lượng nhiệt thoát ra trong quá trình hoạt động của máy tàu và sử dụng lượng nhiệt này với dàn sấy khô mực phù hợp với kết cấu tàu cá để chủ động sấy khô mực đạt chất lượng và VSATTP. Nó đáp ứng các tiêu chí mà tàu khai thác mực của Bình Định đang nhắm đến, đó là: cấu tạo đơn giản, gọn nhẹ, không ảnh hưởng đến cân bằng tàu do sức cản của gió, có thể tự động kiểm soát, rút ngắn thời gian sấy, không tiêu hao thêm nhiên liệu; vận hành đơn giản không tốn nhiều thời gian đào tạo; đảm bảo chủ động và ổn định chất lượng, VSATTP trong việc làm khô mực và có thể đạt được năng suất cao nhất trong ngày; đặc biệt về giá cả phù hợp với thu nhập của ngư dân.
Mô hình nhằm phổ biến và ứng dụng công nghệ phơi sấy mực khô, tạo điều kiện để bà con ngư dân có cơ hội tham quan, học hỏi và ứng dụng rộng rãi trong thực tế sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng và VSATTP thủy sản sau thu hoạch trên các tàu cá (khai thác mực) tại Bình Định, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững./.