Công tác bảo vệ rừng cũng góp phần giúp ngành lâm nghiệp tạo ra nhiều việc làm, thúc đẩy kinh tế phát triển cho nhiều địa phương trong tỉnh; hiện nay với hơn 1000 tổ chức, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến đồ gỗ trên địa bàn, đã được các cơ quan chức năng của tỉnh bố trí, sắp xếp cho hoạt động sản xuất, chế biến đồ gỗ tập trung vào các khu, cụm công nghiệp như: Khu công nghiệp Phú Tài, Long Mỹ (Quy Nhơn), Nhơn Hoà (An Nhơn), Cụm công nghiệp Nhơn Bình, Quang Trung (Quy Nhơn), Gò Đá Trắng (An Nhơn), Hóc Bợm (Tây Sơn), Hoà Hội (Phù Cát), Diêm Tiêu (Phù Mỹ), Phước An (Tuy Phước) Bồng Sơn (thị trấn Bồng Sơn) nhằm ổn định trong việc quản lý nguồn gốc lâm sản, tránh tình trạng mua, bán, cất giữ, kinh doanh lâm sản trái với các quy định của Nhà nước; kịp thời ngăn chặn việc tiếp tay cho phá rừng, buôn lậu gỗ trái pháp luật; đồng thời giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần đáng kể trong giải quyết việc làm, giảm nghèo nhanh tại địa phương.
Tuy nhiên, trên địa bàn một số địa phương trong tỉnh, thời gian những tháng cuối năm 2012, tình trạng phá rừng, khai thác rừng và vận chuyển lâm sản trái pháp luật diễn biến phức tạp. Các hạt kiểm lâm huyện, thị xã và thành phố, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh có nhiều tích cực trong việc đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, nhưng từng lúc từng nơi hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân chính của tình trạng nêu trên là hiện nay nhu cầu về gỗ trong xây dựng, phục vụ dân sinh-kinh tế, đóng mới tàu thuyền ngày càng tăng, giá trị kinh tế của các loại gỗ tăng cao; gỗ nguyên liệu cho chế biến hàng lâm sản xuất khẩu hằng năm trên địa tỉnh rất lớn, khả năng đáp ứng gỗ trong tỉnh rất ít, dẫn đến mất cân đối giữa cung và cầu. Trong lúc ngày công lao động của người dânthấp, nhưng nếu đi vào rừng khai thác gỗ hoặc, mua, bán, vận chuyển trái pháp luật lâm sản thì đem lại thu nhập rất cao, đó là nguyên nhân chính tạo động cơ cho một bộ phận người dân bất chấp pháp luật sẵn sàng khai thác gỗ, mua, bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; từ đó tạo ra một thực trạng khó khăn nhất định trong công tác kiểm tra, kiểm soát lâm sản và ngăn chặn tình trạng phá rừng trái pháp luật xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Trước tình hình đó, để lập lại kỷ cương pháp luật trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, nhất là trong thời gian trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013; Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm huyện, thị xã và thành phố, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng triển khai thực hiện nghiêm túc và trọng tâm một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
- Tăng cường công tác phối hợp với các ngành, hội, đoàn thể, chính quyền địa phương, chủ rừng và các tổ chức có liên quan, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng bằng nhiều hình thức, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, nhằm nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân.
- Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg ngày 16/5/2003, Chỉ thị số 08/2006/CT-TTg ngày 08/3/2006, Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ, về Tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ, Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng và Chỉ thị số 15/CT-CTUBND ngày 29/12/2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, về việc Tăng cường các biện pháp cấp bách trong bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, khai thác trái phép rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, phòng cháy, chữa cháy rừng và chống người thi hành công vụ.
- Phối hợp với các ngành chức năng, các chủ rừng, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, truy quét các vùng giáp ranh giữa các huyện trong tỉnh và vùng giáp ranh với các tỉnh Phú Yên, Gia Lai và Quảng Ngãi. Kiểm tra, truy quét tại các vùng trọng điểm về phá rừng, khai thác trái phép rừng (Địa bàn các huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tuy Phước, Quy Nhơn); kiểm tra các tụ điểm vận chuyển, cất giữ, mua, bán gỗ, động vật rừng và cây rừng làm cây cảnh, cây bóng mát trái pháp luật; kiểm tra các nhà hàng, khách sạn, nơi chế biến, kinh doanh động vật rừng có dấu hiệu trái với các quy định của Nhà nước (Địa bàn các huyện An Lão, Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, thành phố Quy Nhơn) và đặc biệt là việc kiểm tra, kiểm soát lâm sản tập kết tại các ga đường sắt trong tỉnh.
- Chủ động phối hợp với các ngành chức năng có liên quan điều tra, xác minh và kiên quyết xử lý kịp thời những đối tượng chống người thi hành công vụ và vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
- Chỉ đạo kiểm lâm phụ trách địa bàn thường xuyên bám cấp ủy, chính quyền địa phương, bám dân, bám rừng, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; theo dõi và kiểm soát chặt chẽ diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn, kịp thời phát hiện những hành vi đốt rừng, phá rừng, khai thác, lấn, chiếm rừng trái pháp luật, khi phát hiện phải kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật; có biện pháp xử lý nghiêm kiểm lâm địa bàn thiếu tinh thần trách nhiệm, không bám địa bàn, để xảy ra các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, xảy ra cháy rừng trên địa bàn mà không phát hiện kịp thời, để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp cứu chữa, ngăn chặn.
- Tổ chức đợt sinh hoạt chính trị tư tưở ng cho công chức, lao động hợp đồng trong đơn vị, kết hợp với phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 - 21/5/2013); phát động phong trào thi đua theo một số chủ đề: Kiểm lâm gắn với rừng; tinh thông về nghiệp vụ; trong sạch, kỷ cương, vững mạnh./.
Tác giả bài viết: CCKL
Ý kiến bạn đọc