Theo đánh giá, Hoa Kỳ là thị trường quan trọng bậc nhất của ngành công nghiệp chế biến gỗ. Năm 2018, thị trường này chiếm khoảng 42% kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Sang 4 tháng đầu năm nay, đây vẫn là thị trường quan trọng với kim ngạch khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng trên 34% so với cùng kỳ năm trước. Cơ hội từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam là rất lớn.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam cũng tăng liên tục từ 12-17% trong suốt 10 năm qua. Năm 2018 đạt giá trị xuất khẩu gần 9,4 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đạt trên 16% so với năm 2017. Đồng thời, tiếp tục mở rộng thị trường nhập khẩu thị trường nguyên liệu gỗ phục vụ, sẵn sàng mở cửa để nhập khẩu sản phẩm Việt Nam không có lợi thế, khan hiếm nguyên liệu, nhất là gỗ cứng như: sồi, thông, óc chó…
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Hoa Kỳ sang Việt Nam cũng tăng 13% so với năm trước nhưng Việt Nam đang xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ, và dư địa trong tương lai vẫn còn rất lớn. Theo đánh giá, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ mới chỉ chiếm khoảng 1/8 so với tiềm năng xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang thị trường này.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung hiện nay cũng là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục khai thác dư địa, lợi thế của mặt hàng gỗ tại thị trường Hoa Kỳ. Đối với việc tổ chức nguồn nguyên liệu trong nước, Việt Nam đang ngày càng chủ động nguồn nguyên liệu rừng trồng, và đã dừng việc khai thác rừng tự nhiên từ 3 năm gần đây. Với 3,5 triệu ha rừng trồng hiện nay, Việt Nam sẽ có khoảng 35-40 triệu m3 gỗ rừng trồng trong tương lai.
“Ngành gỗ Việt Nam đang tiến tới xây dựng ngành chế biến gỗ bền vững, sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp, phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như quy định của các bạn hàng lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… cũng như phù hợp với pháp luật Việt Nam” - Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định./.
Tác giả bài viết: Theo Phương Hoài (VOV.VN)
Ý kiến bạn đọc