Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đã được nhiều DN, chủ trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm áp dụng hiệu quả. Điển hình là Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, ở thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước. DN này có 2 cơ sở với hàng chục khu chuồng nuôi gà khảo nghiệm, gà cụ kỵ, gà ông bà và các khu ấp trứng, sản xuất con giống. Tất cả đều được xây dựng khép kín, cung cấp thức ăn, nước uống hoàn toàn tự động, có hệ thống làm mát, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm phù hợp với yêu cầu phát triển của mọi lứa tuổi gà. Nhà máy ấp trứng cũng được trang bị đầy đủ máy ấp tự động thế hệ mới và hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm. Chất thải chăn nuôi được thu gom xử lý bằng chế phẩm sinh học, chuồng trại luôn được vệ sinh, tiêu độc sát trùng sạch sẽ, đảm bảo an toàn.
Ông Lê Văn Dư, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, chia sẻ: Không chỉ cậy vào trang thiết bị hiện đại, chúng tôi còn thực hiện nghiêm túc quy trình an toàn sinh học để đảm bảo vật nuôi được chăm sóc tốt và an toàn tối đa. Riêng năm 2018, công ty đã xuất bán 36 triệu con gà giống thương phẩm 1 ngày tuổi chất lượng cao, chiếm tới 20% thị phần giống gà ta của cả nước và là DN cung ứng gà lông màu lớn nhất Việt Nam. Hiện chúng tôi tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ cao để xuất khẩu gia cầm giống và thịt gà ta”.
Ở xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân, trang trại chăn nuôi heo giống của bà Trần Thị Tuyết cũng rất an toàn và hiệu quả nhờ đầu tư chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học. Trang trại này nằm dưới chân núi, được bao bọc bởi tường rào kiên cố và những hàng keo lai xanh ngắt. Ngay cổng ra vào trang trại là phòng khử độc sát trùng người và phương tiện. Phía trong là các dãy chuồng nuôi heo chửa, heo đẻ, heo sữa và 2 dãy nhà cách ly, 1 nhà kho chứa thức ăn. Tất cả các dãy chuồng đều có hệ thống máy làm mát và hệ thống xử lý chất thải.
“Việc chăm sóc, bảo vệ đàn heo đều do các bác sĩ thú y và công nhân kỹ thuật đảm nhiệm. Chúng tôi hạn chế tối đa người và phương tiện ra vào trang trại, kể cả chủ nhà. Trang trại luôn trong trạng thái xanh, sạch, mát và đảm bảo an toàn dịch bệnh. Bình quân mỗi tháng, trang trại xuất bán 1.000 con heo giống”, bà Trần Thị Tuyết cho biết.
Không đầu tư và áp dụng công nghệ hiện đại như 2 cơ sở nói trên, ông Nguyễn Văn Nam, ở Đông Bình, xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo cách riêng. Chung quanh trang trại rộng 7 ha, ông Nam trồng keo lai, diện tích còn lại ông xây dựng các dãy chuồng để chăn nuôi gia súc gia cầm và đào ao thả cá. Chất thải của vật nuôi được tận dụng để nuôi cá, vừa tránh gây ô nhiễm môi trường, vừa tăng hiệu quả kinh tế. Từ năm 2012 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình ông Nam có thu nhập bình quân trên 1,2 tỷ đồng từ trang trại chăn nuôi.
Thực tế cho thấy, nghề chăn nuôi đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển. Tuy vậy, để giải quyết bài toán xử lý chất thải chăn nuôi - vốn đang là thách thức lớn, việc phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là việc nên ưu tiên.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Đến nay đã có hàng nghìn DN, trang trại, gia trại tổ chức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Một số DN, chủ trang trại có tiềm lực kinh tế tốt đã đầu tư xây dựng các khu chăn nuôi khép kín, áp dụng công nghệ cao trong hầu như toàn bộ khâu chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Những trang trại, gia trại quy mô nhỏ hơn cũng đã xây dựng cơ sở hạ tầng bài bản, có công trình khí sinh học, sử dụng đệm lót sinh học để giải quyết lượng chất thải, nước thải tại chỗ; cách làm này cũng thân thiện với môi trường, rất hiệu quả. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học để tăng hiệu quả đầu tư, góp phần giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí môi trường trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tác giả bài viết: PHẠM TIẾN SỸ
Ý kiến bạn đọc