Trong khuôn khổ hội nghị còn diễn ra Tọa đàm chuyên đề về giải pháp xây dựng trạm bơm cột nước thấp, một trong những giải pháp hiệu quả cao trong việc đưa nước vào đồng ruộng hiện đang được nhiều địa phương áp dụng rộng rãi.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, lượng mưa trái mùa lớn đã giúp các địa phương vùng Trung du và đồng bằng Bắc Bộ đảm bảo nước cho 30% diện tích gieo cấy vụ Đông Xuân 2019-2020, giúp các hồ chứa thuỷ điện tiết kiệm được hơn 11,74 tỷ m3 nước so với cùng kỳ năm 2019.
Nhiều địa phương đã chủ động vào cuộc lấy nước rất quyết liệt trước và trong đợt 1: Khoảng 30% diện tích có nước do các địa phương đã sửa chữa các trạm bơm, lắp các trạm bơm dã chiến. Các địa phương phải chi tiền điện rất nhiều, không chờ đợt xả nước đầu tiên để lấy nước.
Kết thúc đợt 1 tổng diện tích có nước của các địa phương là trên 286.000ha, đạt 54% diện tích. Sau khi kết thúc đợt 1 lấy nước, trận mưa quý giá trên diện rộng (từ ngày 24-26/1/2020) với tổng lượng mưa phổ biến từ 60-90 mm và các địa phương vẫn tranh thủ vận hành công trình tiếp tục lấy nước nên diện tích đủ nước tăng thêm khoảng 30%.
Do vậy, đợt 2 và đợt 3 được điều chỉnh giảm số ngày lấy nước tổng cộng là 6 ngày, đồng thời giữ mực nước tại hạ du hệ thống sông Hồng linh hoạt, vừa đảm bảo công trình thủy lợi lấy nước hiệu quả, vừa tiết kiệm nguồn nước xả từ các hồ chứa thủy điện.
Kết thúc đợt 2 (ngày 9/2/2020) diện tích có nước là 510.900 ha đạt 96,2%, trong đó, 10 địa phương đã đảm bảo 100% diện tích gieo cấy theo kế hoạch đủ nước hoặc còn phần diện tích nhỏ chủ động cấp nước; riêng Thành phố Hà Nội diện tích đủ nước chỉ đạt 84,7%.
Kết thúc 3 đợt lấy nước, diện tích có nước ở khu vực Trung du và đồng bằng Bắc bộ là 529.900 ha, đạt 99,8%; trong đó, diện tích chưa đủ nước bao gồm khoảng 450 ha phải tiếp tục cấp nước bằng trạm bơm dã chiến Phù Sa.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã đánh giá cao sự chủ động vào cuộc lấy nước từ các địa phương và bà con nông dân. Cùng với đó, Thứ trưởng cho biết đã bàn với TP. Hà Nội về việc xây dựng đập để nâng mực nước sông Hồng và phía thành phố đã đồng ý triển khai.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, chưa bao giờ phong trào tuyên truyền của người dân lại mang lại hiệu quả như bây giờ, việc dự báo sớm, dự báo sát tình hình giúp cho việc chỉ đạo của cơ quan chuyên môn xây dựng phương án sát với thực tế. Hai trận mưa lớn đầu năm là vô cùng quý giá đối với sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc. Khung thời vụ, cơ cấu giống đến thời điểm này đã đảm bảo. Vấn đề cây lúa cần nước trong 3 tháng nữa, ông Cường đề nghị Tổng cục Thủy lợi có phương án, giải pháp trữ nước, tích nước, điều hòa để đàm bảo cung cấp nước đầy đủ cho thời gian sinh trưởng và phát triển, đặc biệt là thời gian sinh trưởng nhạy cảm.
Sau khi thu hoạch xong vụ Đông xuân, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức họp đánh giá tổng kết vụ Đông xuân và triển khai vụ Hè thu, hội nghị này sẽ tập trung đánh giá toàn diện, khách quan và khoa học tất cả các giải pháp về quản lý công trình, về lĩnh vực trồng trọt mà Cục đã ứng dụng thử nghiệm trong vụ Đông xuân 2020-2021 để rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo sản xuất qua từng năm trong bối cảnh biến đổi khí hậu thất thường.
Kết thúc hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh khẳng định việc lấy nước đảm bảo gieo cấy vụ Đông xuân 2019-2020 là tốt nhất trong nhiều năm qua. Về công tác lấy nước trong cả 3 đợt, biểu dương 11 địa phương đi đầu, trong đó dẫn đầu là Nam Định, Hưng Yên. Sau đây, yêu cầu các địa phương tổng kết, rút kinh nghiệm các công việc làm được, chưa làm được.
Nhu cầu về lắp đặt trạm bơm cột nước thấp ở ĐBSCL rất lớn, trong phương án tổng thể của Bộ NN & PTNT là cung cấp đầy đủ nước ngọt cho vùng ven biển, cả nhu cầu nước sản xuất và nước sinh hoạt. Trong thời gian tới, yêu cầu các đơn vị đi khảo sát các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thậm chí ở Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) tiềm năng cũng còn nhiều địa phương có nhu cầu. Đề nghị thiết kế gọn nhẹ, đàng hoàng để có thể đưa vào hệ thống tự động phù hợp với ĐBSCL và các vùng khác nhưng lại yêu cầu hiệu suất cao, do đó rất mong các trường tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời một sản phẩm của ngành thủy lợi, góp phần vào sự phát triển chung của ngành nông nghiệp.
Tác giả bài viết: mard.gov.vn
Ý kiến bạn đọc