Ngày 13 tháng 02 năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) đã tổ chức “Hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm và các bệnh trên gia súc”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành; đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; đại diện Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thú y/Chăn nuôi và Thú y/Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các tỉnh, thành phố; đại diện một số hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y; đại diện một số tổ chức quốc tế và các cơ quan truyền thông.
Sau khi nghe báo cáo của Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, các địa phương, đại diện một số doanh nghiệp, các tổ quốc quốc tế phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kết luân như sau:
1. Đánh giá cao công tác chuẩn bị của các đơn vị, các báo cáo tham luân và ý kiến phát biểu của các cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế; biểu dương Cục Thú y và Cục Chăn nuôi đã chuẩn bị tốt báo cáo chuyên đề về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, chăn nuôi. Bộ giao Cục Thú y chủ trì, phối hợp với Cục Chăn nuôi tiếp thu đầy đủ những ý kiến góp ý, hoàn thiện các báo cáo, trình Thứ trưởng Phùng Đức Tiến xét duyệt, gửi các địa phương để làm tài liệu tham khảo, tổ chức triển khai thực hiện tại cơ sở.
2. Thời gian qua, ngành chăn nuôi, thú y đã đạt được một số kết quả quan trọng như: (i) Chăn nuôi an toàn sinh học quy mô lớn, chăn nuôi theo chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh đã được chú trọng, tiếp tục có chiều hướng tăng cao, đạt trên 50% tổng đàn; (ii) Hầu hết các loại vắc xin phòng bệnh đã có sẵn, đặc biệt Việt Nam đã sản xuất thành công được nhiều loại vắc xin quan trọng để phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; (iii) Hệ thống các cơ quan thú y, khuyến nông, chăn nuôi đã làm tốt nhiệm vụ chuyên môn; (iv) Hệ thống văn bản pháp lý, trình độ quản trị chăn nuôi cơ bản đầy đủ và tương đối tốt; (v) Đặc biệt, có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, nguy cơ các loại dịch bệnh, nhất là các bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Dịch tả lợn Châu Phi và các dịch bệnh khác trên động vật có thể tiếp tục phát sinh, lây lan trong thời gian tới là rất cao, do một số nguyên nhân sau: (i) Thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là mưa và rét tại các tỉnh phía Bắc, tạo điều kiện rất thuận lợi cho các loại mầm bệnh đang hiện hữu trong môi trường, trong một số quần thể vật nuôi có thể phát sinh dịch bệnh; (ii) Tổng đàn gia súc ăn cỏ, gia cầm cao nhất từ trước đến nay, nhưng quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn nhiều, bên cạnh đó việc nuôi tái đàn lợn sẽ tăng cao trong thời gian tới; (iii) Hoạt động buôn bán, lưu thông gia súc, gia cầm và các sản phẩm động vật rất lớn; (iv) Tập quán, thói quen buôn bán, giết mổ động vật theo truyền thống (như sử dụng thịt tươi, bán gia cầm sống còn phổ biến,...).
3. Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, đặc biệt là bệnh Cúm gia cầm, Dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồm long móng, giảm thiệt hại kinh tế, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng các quy định của Luật thú y, Luật chăn nuôi, văn bản hướng dẫn thi hành các luật; các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Công văn số 167/TTg-NN ngày 05/02/2020; Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019) về phòng, chống Cúm gia cầm; Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 100/2019/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồm long móng,..; trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu cho các nhóm vật nuôi sau đây:
a) Đối với gia cầm
- Tập trung các nguồn lực chủ động giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch Cúm gia cầm và các dịch bệnh nguy hiểm khác; đặc biệt chú ý đối tượng là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, những địa phương có ổ dịch cũ, nguy cơ cao; kịp thời phát hiện ổ dịch, tổ chức khoanh vùng, xử lý dứt điểm, không để phát sinh ổ dịch mới, không để lây lan diện rộng; tổ chức xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất,...); kịp thời tổ chức tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho các đối tượng nguy cơ cao, tiêm bao vây ổ dịch; đẩy mạnh việc xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
- Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vân chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm làm lây lan dịch bệnh theo quy định.
b) Đối với lợn
- Tiếp tục tăng cường hướng dẫn các cơ sở thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học; có biện pháp quản lý nuôi tái đàn, phải đăng ký với chính quyền địa phương trước khi tái đàn.
- Đề nghị các doanh nghiệp giảm giá bán lợn; biểu dương các doanh nghiệp tiên phong thực hiện việc giảm giá lợn như CP, Dabaco, GreenFeed; các địa phương có các giải pháp quản lý bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng.
c) Đối với đại gia súc và gia súc khác
- Các địa phương cần khẩn trương tổ chức rà soát lại các hộ nhỏ lẻ, tổng đàn để có biện pháp kiểm soát phù hợp, hiệu quả.
- Tăng cường hoạt động giám sát dịch bệnh trên các đối tượng tăng đàn trong thời gian qua (như bệnh Tụ huyết trùng đối với đàn dê, các loại dịch bệnh ở thỏ nuôi), tránh để dịch bệnh bùng phát diện rộng.
4. Đề nghị các tỉnh thực hiện đồng bộ Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn diện môi trường trong một tuần, ưu tiên sử dụng vôi bột, vừa có tác dụng khử trùng tốt, vừa cải thiện môi trường chăn nuôi, cảnh báo nguy cơ dịch bệnh; phải thân trọng khi sử dụng hóa chất để dập dịch.
5. Giao Cục Thú y chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện:
a) Tổng hợp kiến nghị của các địa phương về hỗ trợ vắc xin, hóa chất,... để kịp thời xem xét, đề xuất hỗ trợ theo quy định cho các địa phương tổ chức phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả.
b) Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn gia súc, gia cầm, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
c) Chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế để tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm, giám sát và ứng phó với các loại dịch bệnh.
d) Thành lập các đoàn công tác đến địa phương có dịch, địa phương có nguy cơ cao để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tác giả bài viết: Theo mard.gov.vn
Ý kiến bạn đọc