Xâm nhập mặn đã tác động trên diện rộng ở ĐBSCL làm ảnh hưởng đến gần 42.000 hecta lúa, hơn 6.600 hecta cây ăn quả, hơn 1.200 hecta cây rau màu, hơn 8.700 hecta nuôi trồng thủy sản và khoảng 96.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Mức thiệt hại này thấp hơn nhiều so với đợt xâm nhập mặn năm 2016. Đó là nhờ công tác dự báo sớm và phòng, chống hạn, mặn hiệu quả từ Trung ương đến địa phương.
Dự báo thời gian tới, nguy cơ hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn có thể sẽ còn diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp nền sản xuất nông nghiệp, nhất là các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL, vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đề nghị toàn ngành nông nghiệp và các địa phương phải tập trung đồng bộ, quyết liệt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để chủ động hơn, thích ứng hơn, hiệu quả hơn trong phòng, chống xâm nhập mặn. Trong đó, chú trọng tăng cường công tác dự báo; quan tâm thực hiện các giải pháp thủy lợi; điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng hợp lý. Đồng thời, đẩy nhanh thực hiện các giải pháp công trình cấp nước, kiểm soát triều cường; công trình thủy lợi gắn với hệ thống giao thông huyết mạch;…Bên cạnh đó là các giải pháp phi công trình về dài hạn như: quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai; chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh thích ứng biến đổi khí hậu cho các ngành hàng có sự liên kết 4 nhà….
Ngoài ra, trong dịp này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trao tặng 44 bằng khen cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo sản xuất nông nghiệp, dân sinh mùa khô năm 2019-2020 khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Trước đó, hội nghị cũng đã triển khai Quyết định số 324 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đánh giá ảnh hưởng của thượng nguồn đến hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Các nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương cũng đã đề xuất, đóng góp nhiều giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm ứng phó với tình hình diễn biến thời tiết ngày càng tiêu cực, khốc liệt.
Tác giả bài viết: DH tổng hợp
Ý kiến bạn đọc