Để thực hiện kế hoạch sản xuất năm 2020 phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu và vấn đề tiêu thụ sản phẩm làm ra của người trồng rau, sau khi kết thúc sản xuất năm 2019 Văn phòng Dự án RAT tỉnh đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp – PTNT, tổ chỉ đạo kỹ thuật của huyện, tiến hành họp các thành viên trong nhóm cùng nhau bàn bạc, lấy ý kiến chung để đi đến thống nhất chọn một số loại rau phù hợp trong sản xuất và tiêu thụ thuận lợi để sản xuất cho năm 2020. Cùng với xây dựng kế hoạch sản xuất, dự toán kinh phí hỗ trợ cho dân, Phòng Nông nghiệp – PTNT đã chỉ đạo tổ kỹ thuật, UBND xã Vĩnh Sơn tập trung hướng dẫn hộ nông dân vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư thực vật, cỏ dại trên đồng ruộng, xử lý vôi trước khi cày đất lần đầu 20 ngày để nâng cao độ pH cũng như cải tạo độ phì và mầm móng sâu bệnh hại có trong đất.
Sau khi có quyết định giao dự toán kinh phí hỗ trợ cho dân năm 2020 của Sở Nông nghiệp – PTNT, Phòng Nông nghiệp – PTNT đã tiến hành ký kết hợp đồng sản xuất cây con giống rau với Ông Đặng Văn Khánh để cung cấp toàn bộ cây giống cho hộ sản xuất theo đúng lịch thời vụ đã đề ra. Hợp đồng với HTX Nông nghiệp – KDTH Định Bình; Công ty TNHH Vĩnh Thạnh để cung ứng vật tư, phân bón, thuốc BVTV và lắp ráp hệ thống điện bơm nước, sửa chữa hệ thống tưới bị hư hỏng trong vụ trước.
Trên cơ sở nguồn kinh phí được duyệt và quy trình kỹ thuật, tổ kỹ thuật của huyện đã tính toán phân bổ từng loại phân cho từng hộ và tiến hành cấp đủ 1 lần trước khi bước vào vụ sản xuất cho toàn bộ hộ tham gia sản xuất (hộ đồng bào Ba Na); Riêng thuốc BVTV phân công 1 kỹ thuật viên BVTV trực tiếp điều tra, theo dõi cây trồng hàng tuần và hướng dẫn biện pháp phun phòng và phun trừ đúng theo từng giai đoạn phát dục sâu bệnh trên từng loại rau.
Trong công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, các thành viên trong tổ kỹ thuật của huyện vừa thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, vừa tham gia chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật trồng, bón phân, chăm sóc, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh cho từng hộ. Người được Tổ kỹ thuật của huyện giao nhiệm vụ theo dõi chế độ tưới và phòng trừ sâu bệnh Ông Trần Văn Nhi tâm sự “Năm 2020 là năm triển khai sản xuất rau trái vụ trên nền nhiệt độ cao, ẩm độ thấp, cường độ ánh sáng lớn, lượng mưa thấp đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh trưởng của cây rau, bên cạnh đó cũng là điều kiện thích hợp cho các loại sâu bệnh gây hại đa dạng về chủng loại và thời gian phát dục nhanh gây hại suốt thời gian sinh trưởng của cây rau nên đã phần nào ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng rau”.
Với quyết tâm cao trong triển khai thực hiện mô hình sản xuất rau tại Vĩnh Sơn của lãnh đạo Sở Nông nghiệp – PTNT và UBND huyện Vĩnh Thạnh, năm 2020 nhóm “cùng sở thích” trồng rau an toàn xã Vĩnh Sơn đã trồng hơn 4 ha gồm các loại rau bắp cải, cải thảo, súp lơ xanh, súp lơ vàng, su hào, xà lách, củ cải, củ cà rốt, ớt chuông, hành tím, cà chua, cà tím, củ dền, bí ngồi…, sản lượng bán ra thị trường gần 30 tấn, trong đó hệ thống Siêu thị BigC thu mua 3,0 tấn bắp cải; hệ thống Siêu thị Coopmart thu mua 1,5 tấn rau các loại, còn phần lớn sản lượng rau của các thành viên trong nhóm “cùng sở thích” chủ yếu tiêu thụ tại địa phương, khách du lịch, các chợ đầu mối trong tỉnh và quầy bán rau an toàn tại chợ Định Bình.
Cùng với thực hiện mô hình trồng rau an toàn Vĩnh Sơn.Ttrong năm 2020, Dự án đã phối hợp với huyện thành lập mới 1 nhóm “cùng sở thích” trồng rau an toàn tại Hợp tác xã Định Bình, thị trấn Vĩnh Thạnh với 21 thành viên và mở 1 lớp đào tạo FFS cho nông dân trên đồng ruộng, thời gian 7 tuần. Sau khóa đào tạo các thành viên trong nhóm đã tiến hành sản xuất các loại rau cải, đậu đũa, đậu bắp, dưa leo, khổ qua… để tiến hành lấy mẫu đánh giá chất lượng sản phẩm để chứng nhận sản phẩm rau an toàn Viet GAP HTX Định Bình. Đồng thời triển khai thực hiện nhân rộng mô hình phòng trừ ruồi đục trái trên cây khổ qua theo như hướng dẫn của chuyên gia PFR trên diện tích 500m2 của 1 thành viên trong nhóm, kết quả thực hiện mô hình cho thấy tỷ lệ trái khổ qua bị ruồi đục trái gây hại chỉ từ 5 - 7% nên đã làm tăng lợi nhuận cho người trồng khổ qua hơn 1 triệu đồng/sào.
Đạt được những kết quả nêu trên, ngoài những chính sách ưu tiên của Dự án, sự quan tâm của lãnh đạo Sở Nông nghiệp – PTNT, UBND huyện và các ngành chuyên môn của tỉnh, còn có sự đóng góp rất lớn của các thành viên nhóm “cùng sở thích” trồng rau an toàn trên địa bàn huyện. Mặt dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn trong nghề trồng rau an toàn, nhưng suốt thời gian qua các thành viên tham gia Dự án đã phát huy cao truyền thống cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu và ứng dụng khoa học mới để áp dụng vào sản xuất tạo nên những vườn rau xanh mượt theo tiêu chuẩn Viet GAP, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người trồng rau góp phần xóa đói giảm nghèo cho người nông dân vùng cao, vùng xa./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Vinh- Trung tâm DVNN Vĩnh Thạnh
Ý kiến bạn đọc