Hình thức tổ chức: các Tổ đoàn kết thường liên kết từ 3 – 5 tàu, được thành lập theo nguyên tắc 4 cùng: cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú và cùng dòng họ, bạn bè thân thích. Các Tổ đoàn kết sản xuất trên biển liên kết với nhau theo nguyên tắc tự nguyện, tự thỏa thuận với nhau bằng miệng và được UBND xã/phường ký Quyết định thành lập. Mục đích thành lập Tổ đoàn kết nhằm nâng cao được ý thức, trách nhiệm trong hoạt động khai thác, nhất là tinh thần tương thân, tương trợ, giúp đỡ nhau trong khó khăn, hoạn nạn; hỗ trợ nhau phòng, tránh thiên tai, tham gia cứu hộ, cứu nạn; đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự vùng biển. Ngoài ra, Tổ đoàn kết còn giúp ngư dân trao đổi, học hỏi được kinh nghiệm; kỹ thuật của nhau, cung cấp kịp thời thông tin ngư trường, rút ngắn thời gian đến ngư trường khai thác, kéo dài thời gian bám biển, giảm chi phí sản xuất, giảm thất thoát sau thu hoạch, tự làm khâu hậu cần cho nhau, nắm vững thị trường, chủ động tiêu thụ sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.
Nhìn chung, số tổ đoàn kết được chính quyền địa phương ký Quyết định thành lập trong thời gian qua chiếm tỷ lệ không đáng kể so với tổng số tàu cá của tỉnh (hơn 7.340 tàu, trong đó có khoảng 2.600 tàu có công suất từ 90CV trở lên). Việc phát triển các Tổ đoàn kết còn thiếu sự quan tâm hướng dẫn, đồng thời chưa có hỗ trợ về kinh phí của các cấp chính quyền cũng như cơ quan chức năng trong việc quản lý tàu cá khai thác theo mô hình Tổ đoàn kết, nên việc nhân rộng mô hình gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, các Tổ đoàn kết đã thành lập không có quy chế hay điều lệ hoạt động ràng buộc, ngư dân chỉ giao ước với nhau bằng miệng nên hiệu quả hoạt động chưa cao, thường xuyên biến động về số lượng, thành phần; thậm chí có Tổ đoàn kết chỉ tồn tại trong một mùa biển. Do vậy, hiệu quả hoạt động cũng như công tác quản lý, kiểm soát khai thác hải sản còn hạn chế.
Vậy, để phát triển và củng cố các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển cần phải có sự phối hợp giữa Chính quyền các cấp với các ban ngành, đoàn thể trong việc vận động ngư dân xây dựng các tổ hợp tác sản xuất cho các nghề khai thác xa bờ ở địa phương.
Cần tiến hành các đề tài nghiên cứu xây dựng quy chế hoạt động cho các tổ khai thác, số lượng tàu cho một tổ bao nhiêu thì hợp lý,... cho từng loại nghề cũng như điều kiện của từng địa phương.
Các mô hình tổ chức khai thác cần tạo ra cơ chế, chính sách nhằm khuyễn khích thuyền viên tích cực sản xuất bằng hình thức xây dựng nguồn quỹ khen thưởng cho thuyền viên và các tàu thành viên có thành tích tốt trong sản xuất thông qua hình thức chấm công, điểm… hoặc cho thuyền viên tham gia góp vốn cổ đông trên tàu.
Nhà nước cần đưa ra các cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích các chủ tàu thành lập Tổ đoàn kết như: hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các tổ đoàn kết (sinh hoạt phí) để các tổ họp, sinh hoạt theo định kỳ; Hỗ trợ đầu tư hầm bảo quản; máy móc, trang thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.
Trong năm 2014, Chi cục Khai thác và BVNL thủy sản triển khai Kế hoạch củng cố tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển thông qua việc tổ chức hội thảo đánh giá tình hình, kết quả hoạt động kết hợp tuyên truyền phổ biến và rà soát các mô hình tổ đội đã có trong dân, từ đó có hướng củng cố tổ chức các tổ, đội đã thành lập có quyết định của UBND xã/ phường và hướng dẫn ngư dân cùng chính quyền địa phương thể chế hoá tổ chức, hoạt động của các tổ, đội thành lập tự phát trong dân. Hỗ trợ xây dựng, vận hành hoạt động của tổ đội và tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp sản xuất và phòng chống thiên tai trong tổ đội khai thác hải sản trên biển.
Tác giả bài viết: CCKTBVNLTS
Ý kiến bạn đọc