Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Tạo, Trưởng phòng sản xuất và dịch vụ giống cây trồng - Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm, Viện sản xuất hàng chục giống lúa mới có phẩm chất ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu các loại sâu bệnh hại, chống chịu điều kiện khó khăn như phèn, mặn, ngập, khô hạn. Hiện Viện đang tổ chức sản xuất nhân giống cấp siêu nguyên chủng, giống cấp nguyên chủng và xác nhận để cùng với các địa phương giúp bà con nông dân trong vùng có giống lúa chất lượng cho sản xuất, nhằm tăng thu nhập và hiệu quả trên đơn vị diện tích khi tham gia cánh đồng lớn.
Viện dành diện tích 5 ha để duy trì khoảng 38 giống lúa gốc từ nguồn giống tác giả chuyển qua với hàng chục nghìn cá thể được đánh giá hàng vụ. Để nhân giống cấp siêu nguyên chủng, Viện dành diện tích 14 ha để nhân 22 giống lúa như Jasmine 85, VD20, OM 4900, OM 6976 ... với sản lượng khoảng 45 tấn. Song song đó, Viện dành diện tích 100 ha nhân giống cấp nguyên chủng, bao gồm các giống lúa như Jasmine 85, OM 4900, OM 7347, OM 5451 ... với sản lượng ước đạt 500 tấn. Ngoài ra, Viện có 120 ha nhân giống cấp xác nhận bao gồm các giống lúa như OM 4900, OM 7347, OM 5451, OM 6600, OM 9921 ..., sản xuất theo quy trình, quy định như gieo sạ hàng, thực hiện công tác kiểm định, kiểm nghiệm thu hoạch, chế biến và đóng gói với sản lượng ước tính trên 600 tấn. Riêng vụ Hè Thu 2015, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tập trung vào những giống lúa chủ lực trong dự án sản xuất giống lúa xuất khẩu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyện như OM 4900, OM 7347, OM 6162, OM 6976, OM 5451... Viện cũng chuẩn bị một số giống triển vọng bổ sung nguồn giống có phẩm chất ngon, chất lượng tốt sẵn sàng cung ứng cho sản xuất trong thời gian tới.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa hàng hóa lớn của cả nước, hàng năm đóng góp trên 50% sản lượng lúa và trên 90% tổng lượng gạo xuất khẩu. Cây lúa hiện nay và trong thời gian dài sắp tới vẫn là cây trồng chủ lực ở Đồng bằng sông Cửu Long vì lúa là cây trồng truyền thống, phù hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của vùng và chính sách bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam. Tuy nhiên, sự bộc phát và thay đổi độc tính của nhiều loại dịch hại đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Với việc thường xuyên nghiên cứu, đánh giá tính thích ứng của các giống lúa mới tại các tiểu vùng sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, đang góp phần sử dụng giống, bố trí mùa vụ canh tác phù hợp trong sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay./.