Lợi ích nhiều mặt
Theo ông Ngô Tùng Thu, Quản đốc DA SKNTBV tỉnh, từ năm 2009 đến nay, có rất nhiều hoạt động của DA đã được triển khai. Trong đó, với hợp phần rau an toàn (RAT), sau khi phối hợp với chính quyền các địa phương quy hoạch diện tích đất sản xuất, DA đã thành lập 9 nhóm cùng sở thích (NCST) sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP tại khối Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong - Tây Sơn); xã Phước Hiệp (Tuy Phước); Hoài Thanh Tây, Tam Quan (Hoài Nhơn) với 201 nông dân tham gia sản xuất 13 ha RAT các loại. DA còn hỗ trợ kinh phí cho HTXNN Thuận Nghĩa và HTXNN Phước Hiệp xây dựng 2 nhà sơ chế rau; hỗ trợ phương tiện vận chuyển và hỗ trợ các HTX kết nối với các nhà hàng, siêu thị để tiêu thụ sản phẩm. Với hợp phần tăng thu nhập từ cây dừa, DA đã xây dựng nhiều mô hình đầu tư thâm canh dừa; thành lập nhiều NCST se sợi chỉ xơ dừa; hỗ trợ máy móc, phương tiện cho các cơ sở và làng nghề sản xuất các sản phẩm từ dừa tại Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn. Với hợp phần các hệ thống chăn nuôi có lãi, DA hỗ trợ giống vật nuôi, cỏ giống và đào tạo tập huấn hướng dẫn quy trình vỗ béo bò, chăn nuôi thỏ cho người dân, đem lại hiệu quả thiết thực.
Với sự hỗ trợ của DA SKNTBV, nhiều cơ sở, tổ hợp tác và người dân đã chủ động thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả. Ông Phạm Long Thăng, Chủ nhiệm HTXNN Phước Hiệp, cho biết: Với sự hỗ trợ của DA, HTX đã hình thành được vùng sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng được nhà sơ chế rau. Hiện có 87 hộ xã viên của 4 NCST chuyên sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP cung cấp cho HTX để sơ chế, tiêu thụ. HTX cũng đã ký hợp đồng với Co.opmart Quy Nhơn, Big C Quy Nhơn, Co.opmart Phú Yên... tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, năm 2013 HTX đã tiêu thụ được 350 tấn RAT theo tiêu chuẩn VietGAP, năm 2014 tiêu thụ được 500 tấn. Thu nhập của xã viên và HTX cũng tăng cao và ổn định hơn trước.
Bà Bùi Thị Kim Liên - ở thôn Chánh Khoan (xã Mỹ Lợi - Phù Mỹ), đại diện 4 NCST se sợi xơ dừa ở thôn Chánh Khoan - chia sẻ: Trước đây, chị em chúng tôi se sợi xơ dừa bằng thủ công, mất nhiều thời gian, nhưng sản phẩm làm ra ít, đầu ra gặp khó và không ổn định, nên thu nhập thấp. Năm 2012, DA hỗ trợ địa phương thành lập 4 NCST se sợi chỉ xơ dừa, hỗ trợ 160 máy se sợi, 64 phương tiện và kết nối với cơ sở sản xuất xơ dừa Xuân Hương ở thị trấn Bình Dương (Phù Mỹ) để lấy sản phẩm về gia công. Nhờ vậy, 142 thành viên của 4 NCST vừa có điều kiện chăm sóc gia đình, vừa tăng được hiệu quả sản xuất, thu nhập tăng từ 2 - 2,3 triệu đồng/người/tháng so với trước”.
Theo đánh giá của UBND tỉnh tại hội nghị tổng kết DA SKNTBV vừa tổ chức, các hoạt động của DA đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện sinh kế của một bộ phận nông dân trong tỉnh thông qua việc tăng tính cạnh tranh của các loại cây trồng, vật nuôi và sản phẩm làng nghề truyền thống. Về mặt kinh tế, đáng chú ý là DA đã góp phần tăng mức lợi nhuận trên 30% đối với những đối tượng sản xuất và tiêu thụ RAT, tăng trên 100% đối với những hộ chăn nuôi bò và tăng 300% đối với hoạt động se sợi xơ dừa tại nhà. Về tác động xã hội, DA đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 1.246 hộ gia đình ở vùng nông thôn, trong đó có 42% lao động nữ. Thông qua DA, vai trò của phụ nữ trong gia đình và trong cộng đồng đã được nâng cao.
Tiếp tục thực hiện giai đoạn 2
Mới đây, UBND tỉnh đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác New Zealand do bà Kathryn Beckett, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán New Zealand tại Hà Nội dẫn đầu, bàn về giải pháp thực hiện giai đoạn 2 DA SKNTBV.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà cho biết: DA SKNTBV đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân tỉnh nhà, và mong muốn được Chính phủ New Zealand tiếp tục hỗ trợ thực hiện giai đoạn 2 của DA trong thời gian 5 năm và cho phép chuyển từ sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP sang sản xuất RAT, bởi tiêu chuẩn sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP quá cao, quy trình phức tạp, nông dân rất khó áp dụng vào thực tế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Chính phủ New Zealand hỗ trợ cho tỉnh 50 máy se sợi chỉ xơ dừa để hỗ trợ phát triển các cơ sở chế biến tinh dầu dừa; hỗ trợ xây dựng hệ thống kênh tưới cho vùng sản xuất RAT; đồng thời cam kết sẽ điều hành, chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả giai đoạn 2 của DA.
Bà Kathryn Beckett đã đồng ý hỗ trợ tỉnh ta thực hiện giai đoạn 2 DA SKNTBV trong 5 năm, trong đó ưu tiên phát triển sản xuất rau và thống nhất với kiến nghị của tỉnh về việc chuyển sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP sang sản xuất RAT, cùng các đề nghị nói trên. Bà Kathryn Beckett cũng cho rằng, để giai đoạn 2 của DA đạt hiệu quả, tỉnh phải xây dựng bộ tiêu chí RAT riêng dựa trên bộ tiêu chí do Bộ NN&PTNT đã ban hành; chú trọng hiệu quả đầu tư; quan tâm đến sự tham gia của các DN vừa và nhỏ vào DA; kiểm soát các loại thuốc bảo vệ thực vật, vật tư, phân bón trong sản xuất; cải tổ bộ máy quản lý và cần có giải pháp đảm bảo tính bền vững của DA, tiến tới xây dựng thương hiệu rau sạch Bình Định.
Tác giả bài viết: Bài và ảnh: PHẠM TIẾN SỸ
Ý kiến bạn đọc