Năm 2014, tình hình khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật rừng (ĐVR), lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép và cháy rừng trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp.
Thực trạng đáng lo ngại
Tại huyện Vĩnh Thạnh, nhiều đối tượng xâm nhập vào các khu rừng giáp ranh giữa các xã trong huyện, vùng giáp ranh giữa huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Khê (Gia Lai) để chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Trên 67.500 m2 cây trồng chưa thành rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đã bị chặt phá; trên 820 ha đất lâm nghiệp của doanh nghiệp này cũng bị người dân ở Vĩnh Thạnh và thị xã An Khê tranh chấp, lấn chiếm. Qua các đợt kiểm tra, truy quét, lực lượng QLBVR huyện Vĩnh Thạnh đã phát hiện 72 vụ phá rừng, tổng diện tích rừng thiệt hại là 225.500 m2 và 97 vụ vi phạm khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, tạm giữ 136,5 m3 gỗ các loại cùng nhiều phương tiện lâm tặc sử dụng để khai thác và vận chuyển lâm sản.
Tại các huyện Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Hoài Ân…, tình hình vi phạm Luật Bảo vệ, phát triển rừng (BV-PTR) và cháy rừng cũng diễn biến khá phức tạp. Đáng lo ngại là nhiều người dân ở huyện An Lão và Hoài Nhơn đã cấu kết với các đối tượng ở ngoài tỉnh xâm nhập vào rừng đặc dụng An Toàn (xã An Toàn - huyện An Lão) để khai thác gỗ quý, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT, năm 2014, Hạt Kiểm lâm (KL) các địa phương đã phát hiện 95 vụ phá rừng, phá cây chưa thành rừng trên diện tích 58,7 ha, tăng 24 vụ, diện tích rừng bị phá tăng 34,8 ha so với năm 2013. Trong đó, tại các huyện Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Vân Canh đã xảy ra 31 vụ phá rừng tự nhiên có chức năng phòng hộ với diện tích trên 25 ha; tại Vĩnh Thạnh, Vân Canh xảy ra 31 vụ phá rừng tự nhiên chức năng sản xuất với diện tích gần 9 ha; tại Phù Cát xảy ra 1 vụ phá rừng trồng có chức năng sản xuất với diện tích 0,45 ha... Tại 9/11 huyện, thị xã, thành phố đã xảy ra 57 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị thiệt hại trên 414,2 ha.
Theo ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, sở dĩ tình trạng khai thác lâm sản, lấn chiếm đất lâm nghiệp và cháy rừng diễn biến phức tạp là do diện tích rừng ở địa phương lớn, đường giao thông đi lại khó khăn, trong khi lực lượng QLBVR mỏng và thiếu trang thiết bị phục vụ công tác QLBVR- PCCCR. Kinh phí để trả cho người dân nhận khoán QLBVR hàng năm còn thấp và kinh phí để tổ chức các đợt truy quét, ngăn chặn các đối tượng xâm hại rừng cũng không nhiều, nên hoạt động nói trên chưa được thường xuyên, liên tục.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng, những hạn chế trong công tác QLBVR - PCCCR trong thời gian qua là: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác QLBVR - PCCCR của lực lượng KL chưa tốt. Một số hạt KL và KL địa bàn chưa làm tốt nhiệm vụ được giao, chưa thường xuyên bám sát cơ sở để phát hiện và ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Việc tổ chức tuần tra, truy quét các đối tượng khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép còn bị động, chưa thường xuyên, liên tục và lực lượng chưa đủ mạnh để có thể trấn áp các đối tượng phá rừng. Mặt khác, thông tin về tuần tra, kiểm soát BVR chưa được bảo mật, nên việc phát hiện và xử lý các đối tượng xâm hại rừng gặp nhiều khó khăn.
Cần cụ thể hóa các giải pháp
Theo ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục KL tỉnh, để công tác QLBVR - PCCCR đạt hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của ngành KL, cần có sự tham gia của cả cộng đồng. Thực tế cho thấy, ở những nơi nào chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt công tác QLBVR và có sự tham gia tích cực của ngành chức năng, hội đoàn thể và người dân thì ở địa bàn đó ít xảy ra cháy rừng và rừng ít bị xâm hại. Vì vậy, chính quyền các địa phương cần chỉ đạo ngành chức năng, hội đoàn thể, vận động người dân tích cực tham gia QLBVR, từng bước xã hội hóa công tác QLBVR.
Nhiều đại biểu có ý kiến, bên cạnh công tác tuyên truyền Luật BV-PTR, cần tăng cường kiểm tra, truy quét, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm Luật BV-PTR, đặc biệt là các đối tượng chống đối người thi hành công vụ. Lãnh đạo các địa phương cũng đã đề nghị tỉnh cân đối, bố trí bổ sung ngân sách cho hoạt động BVPTR.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà yêu cầu các cấp, các ngành, các chủ rừng rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác điều hành, chỉ đạo, phối hợp QLBVR - PCCCR trong năm qua; tập trung cụ thể hóa kế hoạch, giải pháp QLBVR - PCCCR năm 2015. Tăng cường công tác tuyên truyền Luật BV-PTR; tiếp tục giao khoán cho dân QLBVR gắn với việc phát triển lâm sản phụ dưới tán rừng, nhằm tăng nguồn thu và tăng trách nhiệm của các chủ rừng đối với diện tích rừng đã được giao khoán. Nhân rộng mô hình cộng đồng QLBVR - PCCCR đã được thực hiện có hiệu quả tại một số địa phương trong tỉnh. Các đơn vị phải chú trọng đến công tác dự tính, dự báo cháy rừng; xây dựng các đường ranh cản lửa; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, dụng cụ tại chỗ để PCCCR kịp thời, hiệu quả.
Tác giả bài viết: PHẠM TIẾN SỸ
Ý kiến bạn đọc