Tại Hội thảo “Thực phẩm công nghiệp và sự cần thiết của công nghệ chế biến cho ngành thủy sản Việt Nam” do Hiệp hội cá tra Việt Nam phối hợp cùng Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ tổ chức ngày 8.4, ông Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh, Việt Nam đang lãng phí nguồn lực trong lĩnh vực nuôi và khai thác cá tra. Cá xuất khẩu chủ yếu dưới dạng philê thô chứ chưa được gia tăng giá trị bằng cách chế biến, các phần khác của cá như đầu, da, mỡ, xương... hầu như chưa khai thác được, chỉ dừng lại ở dùng làm thức ăn gia súc.
Ông Nguyễn Việt Thắng cũng cho biết, để tránh tình trạng nuôi ồ ạt, tự phát, trong thời gian tới, Hiệp hội cá tra Việt Nam chú trọng ổn định số lượng hộ nuôi; tăng cường chất lượng từ khâu nuôi trồng (có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc) đến khâu xuất khẩu; ưu tiên hỗ trợ tài chính cho các hộ nuôi, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào khâu nuôi trồng và chế biến.
Tại hội thảo, ông Rosenberger, Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty chế biến thực phẩm Nienstedt (Đức) cho biết, nếu cá tra xuất khẩu ở dạng phi lê thô, giá bán chỉ khoảng 0,5 USD/100gr. Trong khi đó, cá tra qua chế biến, tạo hình dáng bắt mắt bằng công nghệ chế biến hiện đại có thể bán được với giá 4 USD/100gr.
Do nhịp sống công nghiệp bận rộn cộng với thói quen ăn uống, người Đức có xu hướng sử dụng thực phẩm chế biến ăn liền. Đặc biệt, người Đức thích ăn cá vì tốt cho sức khỏe hơn so với ăn thịt, nhưng lại không thích ăn cá nguyên con, không thích mùi tanh của cá. Vì thế, cá chế biến là ưu tiên sử dụng hàng đầu vì không có mùi tanh, lại có âm thanh giòn vui tai do được áo một lớp bột chiên xù bên ngoài.
Các công ty chế biến còn đang chạy đua trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm sinh học hữu cơ, cá tra ngoài việc được nêm gia vị, tạo hình đa dạng, còn được trộn với rau củ và tinh bột với tỷ lệ 60% cá, 40% rau, tinh bột để đảm bảo cung cấp đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cơ bản trong một sản phẩm.
Bên cạnh việc chú trọng ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến cá tra, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đảm bảo đúng tỷ lệ dư lượng chất kháng sinh và cá sau cấp đông chỉ được tăng trọng lượng lên khoảng 10%, vượt quá các tỷ lệ này sẽ khó được thị trường Đức chấp nhận.
Các sản phẩm của Trung Quốc sở dĩ không được thị trường Đức ưa chuộng là do việc cấp đông 2 lần khiến cho trọng lượng cá tăng lên hơn 20%, người tiêu dùng có cảm giác bị lừa dối, khi bỏ ra một số tiền nhiều hơn nhưng lại nhận về trọng lượng hàng hóa ít hơn thực tế.
Cũng theo ông Rosenberger, năm 2014, giá trị cá tra xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,7 tỷ USD, trong đó thị trường Đức chiếm 12% và ngày càng tăng nhanh. Đức có 3 nguồn nhập khẩu cá tra chính là Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam.
Hiện nay do tỷ giá USD so với euro không chênh lệch nhiều nên việc xuất khẩu cá tra trở nên bất lợi đối với Mỹ; thị trường cá tra của Trung Quốc cũng không được đánh giá cao do bị cấp đông 2 lần. Chính vì vậy, cá tra Việt Nam được cấp đông 1 lần, có giá cạnh tranh, nên cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu vào Đức là rất khả quan.
Tác giả bài viết: THEO ÁNH TUYẾT (TTXVN/VIETNAM+)
Ý kiến bạn đọc