Xã Phước Mỹ có địa hình đồng bằng và đồi núi thấp thích hợp cho việc phát triển nông nghiệp và trồng rừng. Toàn xã có diện tích tự nhiên hơn 6.829 ha, trong đó đất lâm nghiệp 2.055 ha. Qua 7 năm (2008 - 2014) thực hiện DA WB3, xã Phước Mỹ có 629 hộ dân tham gia trồng được gần 1.350 ha rừng với giống cây sử dụng chủ yếu là cây keo. Từ khi DA WB3 được triển khai tại địa phương, người dân Phước Mỹ thấy được lợi ích của việc trồng rừng về mặt kinh tế và bảo vệ môi trường nên đã thành lập nhóm để quản lý và đầu tư kinh phí để chăm sóc cho cây rừng phát triển nhanh và mang lại hiệu quả hơn.
Diện tích rừng trồng WB3 được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay, UBND TP Quy Nhơn đã giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho 544 hộ tham gia trồng rừng WB3, với tổng diện tích 1.200 ha, và đang tiếp tục cấp sổ đỏ cho các hộ còn lại. Các hộ tham gia trồng rừng WB3 được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho vay gần 14 tỉ đồng để quản lý, chăm sóc rừng trồng.
Từ năm 2013 đến nay, người dân Phước Mỹ đã khai thác khoảng 600 ha rừng WB3, sản lượng gỗ khai thác trung bình đạt 80 tấn/ha, cao hơn rừng ngoài dự án khoảng 10 tấn/ha. Với giá bán ổn định trong 2 năm nay từ 1,13 - 1,16 triệu đồng/tấn gỗ nguyên liệu giấy, doanh thu đạt khoảng 100 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí, hộ trồng rừng còn lãi 30- 40 triệu đồng/ha, cao hơn 20% so với rừng trồng ngoài DA.
Ông Cao Minh Thi, Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ, đánh giá: “Trong thời gian qua, bên cạnh được cấp sổ đỏ thì các hộ trồng rừng WB3 được DA hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất thấp, có điều kiện đầu tư chăm sóc rừng trồng, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Mấy năm qua, ước tính người dân Phước Mỹ có tổng thu trên 17 tỉ đồng/năm từ khai thác rừng WB3. Phải nói rằng DA đạt hiệu quả cao, giúp tăng độ che phủ rừng, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới”.
Nhiều hộ trồng rừng WB3 đạt sản lượng gỗ cao từ 100 - 120 tấn/ha . Điển hình như hộ ông Trần Văn Hòa - ở xóm 5, thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ, trồng được 20 ha rừng WB3. Đến thời điểm này, ông Hòa đã khai thác 18 ha rừng trồng năm 2008, sản lượng gỗ nguyên liệu đạt khoảng 110 tấn/ha, tổng doanh thu khoảng 2 tỉ đồng. Ông Hòa đã trả vốn vay ngân hàng, đầu tư trồng lại diện tích rừng đã khai thác. Ông Hòa phấn khởi tâm sự: “Trước đây, trồng rừng theo kiểu truyền thống đạt lắm cũng chỉ 60 - 70 tấn/ha. Trồng rừng WB3 thì theo quy trình kỹ thuật, đúng quy cách, cây lớn lên đồng đều và chống xói mòn. Còn tập quán trước đây thì trồng dày, cuối cùng hiệu quả không có mà đất ngày càng xấu đi”.
Theo ông Cao Minh Thi: Xã đã thành lập 8 nhóm hộ trồng rừng, thường xuyên theo dõi cấp độ phát triển của rừng trồng, tiếp tục chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật; hàng tháng, hàng quý họp đánh giá; vận động bà con khai thác rừng trồng đúng chu kỳ, và trả nợ vay cho ngân hàng. Một số hộ tham gia DA WB3 gặp khó khăn vì nắng hạn làm chết hàng loạt một số diện tích cây trồng trong DA, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội và BQL DA tỉnh, thành phố quan tâm, có thể là khoanh nợ hoặc giảm lãi trong một thời hạn nào đó để bà con có điều kiện tiếp tục đầu tư tái trồng rừng. Tuy DA đã kết thúc, nhưng trên địa bàn xã vẫn còn một số diện tích của bà con tham gia DA chưa được cấp sổ đỏ, UBND xã sẽ vận động bà con đăng ký để lập các thủ tục trình UBND thành phố tiếp tục cấp sổ đỏ, để bà con an tâm đầu tư chăm sóc rừng trồng trên mảnh đất khai vỡ hợp pháp của mình.
Tác giả bài viết: PHI HÙNG
Ý kiến bạn đọc