Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, do nhiều yếu tố tác động nên thu nhập từ cây lúa của nông dân chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.
Lợi ích nhiều mặt
Những năm gần đây, khu vực DHNTB lại liên tục xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn và mưa lũ, gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân. Hơn nữa, tình trạng mất cân đối nội bộ ngành nông nghiệp, nhất là giữa sản xuất và chăn nuôi, đã và đang xảy ra.
Do vậy, nhằm hạn chế rủi ro, tăng hiệu quả sản xuất và giải quyết tình trạng mất cân đối trong nội bộ ngành, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 3367/2014 phê duyệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2014-2020 trên phạm vi cả nước. Trong đó, giai đoạn 2014-2015 cả nước chuyển đổi khoảng 260 ngàn ha (khu vực DHNTB chuyển đổi 49.000 ha) đất sản xuất sang trồng các loại cây trồng cạn. Thực tế cho thấy, các tỉnh, thành phố trong khu vực DHNTB như Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đã thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng.
Ông Nguyễn Văn Trượng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Từ năm 2013 đến vụ Đông Xuân (ĐX) 2014-2015, toàn tỉnh đã chuyển đổi được trên 11.219 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn, như bắp, đậu phụng, ớt... Nhiều phương thức thâm canh, luân canh mới cũng đã được nông dân trong tỉnh áp dụng có hiệu quả. Tại xã Cát Hải (Phù Cát), nông dân đã chuyển đổi 340 ha sản xuất 1 vụ lúa/năm sang sản xuất 1 vụ đậu phụng và 2 vụ hành/năm, cho thu nhập từ 150-180 triệu đồng/ha/năm. Nông dân xã Cát Tài (Phù Cát) cũng đã chuyển đổi 874 ha sản xuất 3 vụ lúa/năm sang sản xuất cây trồng cạn: đậu phụng xen ớt vụ ĐX, bắp hoặc mè vụ Hè Thu, vụ 3 trồng rau xanh, thu nhập từ 120 triệu đồng/ha/năm trở lên. Tại Tây Giang, thị trấn Phú Phong (Tây Sơn); Phước Hiệp (Tuy Phước) nông dân đã áp dụng phương thức canh tác: Đậu phụng-dưa leo-khổ qua hoặc đậu phụng-2 vụ hành lá-dưa leo, thu nhập trên 150 triệu đồng/ha/năm trở lên. Qua đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa đã góp phần giúp nông dân hạn chế rủi ro bởi thời tiết, giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: Từ năm 2013 đến nay, các tỉnh trong khu vực DHNTB đã chuyển đổi trên 48.000 ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, đậu phụng, ớt, mía, mì, rau dưa các loại… Qua quá trình sản xuất, các địa phương đã xây dựng được nhiều phương thức luân canh, xen canh phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều địa phương đã xây dựng cánh đồng sản xuất liên kết “4 nhà”, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với công nghiệp chế biến, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là tiền đề để các tỉnh DHNTB thực hiện có hiệu quả công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Báo cáo tham luận của ngành Nông nghiệp các tỉnh: Bình Định, Quảng Nam, Ninh Thuận, Quảng Ngãi… cho thấy các địa phương đang quyết tâm đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa. Riêng tỉnh ta, chủ trương của tỉnh là đến năm 2020 ổn định diện tích lúa khoảng 90.700 ha, tập trung thâm canh để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng lúa, nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Mặt khác, đẩy mạnh chuyển đổi những diện tích sản xuất 3 vụ lúa/năm kém hiệu quả sang sản xuất 2 vụ lúa 1 vụ màu/năm, hoặc 1 vụ lúa/2 vụ màu/năm; đồng thời hướng dẫn nông dân áp dụng các phương thức xen canh, luân canh, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với công nghiệp chế biến.
Ông Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa là một trong những nội dung quan trọng để tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bởi vậy, giai đoạn 2016-2020 Bộ NN&PTNT yêu cầu 8 tỉnh, thành phố khu vực DHNTB (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận) chuyển đổi 56.000 ha đất sản xuất lúa sang trồng các loại cây trồng cạn và nuôi trồng thủy sản (trong đó Bình Định chuyển đổi 7.000 ha).
Các địa phương căn cứ vào quy hoạch tổng thể, xem xét lập quy hoạch chi tiết cho từng loại cây trồng, từng vùng và theo các vụ sản xuất. Tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa, không gieo trồng tự phát, nhỏ lẻ; gắn kết với các khâu thu mua, chế biến. Trong quy hoạch cần lưu ý đến việc xây dựng vùng luân canh lúa - màu; vùng chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu. Trên cơ sở đó, từng bước đầu tư hệ thống tưới tiêu nội đồng hợp lý, đảm bảo tiêu úng toàn vùng khi mưa lớn và tưới đủ nước khi nắng hạn…
Tác giả bài viết: PHẠM TIẾN SỸ
Ý kiến bạn đọc