Vốn cẩn thận và ham học hỏi, ông Khái đã cất công ra tận Quảng Bình để trực tiếp tham quan, học tập cách trồng và chăm sóc cây tiêu ở đây, và rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu. “Để đầu tư trồng một trụ hồ tiêu, bước đầu chi phí không dưới 400 ngàn đồng, nếu thuận lợi sau 3 năm mới cho thu hoạch. Vì vậy, phải chọn mua giống tiêu tốt, có nguồn gốc rõ ràng, cây phải đủ tiêu chuẩn, có sức kháng bệnh và chống chịu tốt với môi trường. Đồng thời cần chú ý đến cách chăm sóc và bón phân cho cây tiêu. Chọn trồng trụ cây sống cho dây tiêu leo cũng mang lại hiệu quả cao, hạn chế được sâu bệnh” - ông Khái chia sẻ.
Tính đến nay, ông Khái có hơn 2.100 trụ tiêu, trong đó có 1.500 trụ đã cho quả. Hiện đang vào mùa thu hoạch, ông cho biết vụ này sẽ thu hơn 4 tấn; với giá tiêu ổn định từ 190 ngàn đến 220 ngàn đồng/kg, sẽ thu về hơn 800 triệu đồng. Không chỉ vậy, với giá bán 15.000 đồng/dây tiêu giống, hàng năm ông cầm chắc vài chục triệu đồng từ bán giống tiêu. Với những hộ khó khăn ở địa phương muốn trồng tiêu, ông chỉ lấy giá “hữu nghị” 3.000 đồng/dây.
Cùng với nỗ lực vươn lên làm giàu trên mảnh vườn của gia đình, ông Phạm Ngọc Khái luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng tiêu cho bà con. Mới đây, 15 hộ nông dân có sở thích trồng tiêu ở xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ đã liên hệ với ông Khái để đến tham quan, học tập kinh nghiệm trồng tiêu.
Có thể nói, ông Phạm Ngọc Khái là một nông dân biết phát huy tính sáng tạo, vượt khó trong lao động sản xuất để vươn lên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Tác giả bài viết: MINH KHOA
Ý kiến bạn đọc