- Xin ông cho biết tình hình thiếu nước sinh hoạt tại các địa phương trong tỉnh?
6 tháng đầu năm nay, lượng mưa chỉ đạt xấp xỉ 70% so với lượng mưa trung bình nhiều năm. Do nắng nóng kéo dài, lượng nước các hồ chứa và lưu lượng dòng chảy trên các sông giảm mạnh. Nguồn nước suối ở khu vực đầu nguồn của các công trình cấp nước tập trung (CTCNTT) và nhiều giếng đóng, giếng đào trong các khu dân cư bị khô cạn, khiến nguồn nước sinh hoạt tại nhiều địa phương trong tỉnh đang rất căng thẳng; toàn tỉnh đã có 12.251 hộ bị thiếu nước sinh hoạt. Địa phương bị thiếu nước sinh hoạt nhiều nhất là Phù Mỹ với 5.600 hộ; tiếp đến là Hoài Nhơn 3.860 hộ; Phù Cát 1.200 hộ; Vĩnh Thạnh 350 hộ; Vân Canh 300 hộ…
- UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT và chính quyền các địa phương triển khai các biện pháp chống hạn, trong đó ưu tiên cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Ngành Nông nghiệp tỉnh đã thực hiện như thế nào, thưa ông?
Nhiều ngày qua, Sở NN&PTNT đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, khảo sát tình hình thiếu nước sinh hoạt và nguồn nước phục vụ sản xuất tại các địa phương, trên cơ sở đó xây dựng và thực hiện phương án chống hạn cho từng vùng. Riêng đối với nguồn nước sinh hoạt, chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn phát huy hết công suất các CTCNTT đã xây dựng để cấp nước cho người dân vùng bị hạn. Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, nâng cấp các công trình bị hư hỏng, sớm đưa vào hoạt động để cấp nước cho dân.
Hiện Trung tâm đã sửa chữa xong CTCNTT xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) và đấu nối thêm đường ống từ công trình này đến các khu dân cư, cung cấp nước sinh hoạt cho 1.784 hộ dân ở địa phương. Trung tâm cũng đã đấu nối xong 14.785 m đường ống chính từ CTCNTT xã Cát Nhơn (huyện Phù Cát) đến 1.053 hộ dân của các xã khu Đông Phù Cát. Trung tâm còn mở mạng CTCNTT Tây Giang, Tây Thuận (huyện Tây Sơn) và CTCNTT Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) cung cấp nước sinh hoạt cho 100 hộ dân xã Tây Thuận, Tây Giang và 56 hộ dân ở xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn).
Nhiều địa phương cũng đã tu sửa các CTCNTT và vận động người dân đào, đóng thêm giếng lấy nước ngầm để sử dụng. Nhờ vậy, đến nay số hộ bị thiếu nước sinh hoạt giảm xuống còn 8.763 hộ. Hiện ngành Nông nghiệp tỉnh đang tiếp tục nâng cao năng lực CTCNTT Mỹ Chánh để cấp nước cho 30 hộ dân ở thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh và 150 hộ dân ở xã Mỹ Cát, Mỹ An (Phù Mỹ); đồng thời hỗ trợ huyện Phù Mỹ sửa chữa một số CTCNTT đã xây dựng để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân các xã Mỹ Thành, Mỹ Tài, Mỹ Cát, Mỹ Chánh Tây, Mỹ Đức...
Ở huyện Hoài Nhơn, Sở đang phối hợp với chính quyền địa phương mở thêm mạng đường ống của CTCNTT Bồng Sơn để cấp nước cho các xã Hoài Đức, Hoài Hải, Hoài Mỹ. Với các xã: An Toàn, An Nghĩa (An Lão); Ân Tín, Ân Tường Đông, Ân Phong (Hoài Ân)... vận động người dân đào sâu, âm bộng giếng để lấy nước ngầm sử dụng cho sinh hoạt. Đối với những khu vực không có nguồn nước hoặc nguồn nước giếng bị nhiễm mặn không sử dụng được, chính quyền các địa phương vận chuyển nước từ các CTCNTT để cấp cho dân.
- UBND tỉnh đã ban hành quy định mức hỗ trợ cho người dân để ứng phó với hạn hán, trong đó có mức hỗ trợ về nước uống và nước sinh hoạt, ông có thể cho biết thêm về chính sách này?
Ngày 13.5, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1629/QĐ-UBND về việc quy định mức hỗ trợ để ứng phó với hạn hán trong sản xuất nông nghiệp và dân sinh vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2015. Theo QĐ số 1629, đối với định mức hỗ trợ cấp nước uống, nước sinh hoạt cho người và nước cho gia súc có 3 phương án hỗ trợ (hỗ trợ bằng tiền mặt; hỗ trợ khoan, âm bộng giếng và hỗ trợ xây dựng đường ống cấp nước từ các CTCNTT đến khu vực thiếu nước).
Với phương án hỗ trợ bằng tiền mặt, áp dụng cho vùng không khoan được giếng, không đào sâu âm bộng giếng, không có đường ống dẫn nước từ CTCNTT đến vùng bị hạn, hỗ trợ nước uống và nước sinh hoạt cho người dân với định mức 40 lít nước/người/ngày; hỗ trợ nước uống cho gia súc (trâu, bò, heo) 30 lít/ngày. Mức hỗ trợ 70.000 đồng/m3 nước bao gồm chi phí nước uống, nước sinh hoạt tại nguồn cung cấp, chi phí vận chuyển và công lao động tiếp nhận và phân phối tại chỗ.
Phương án hỗ trợ khoan, âm bộng giếng, áp dụng cho vùng có thể khoan giếng, đào sâu thêm, âm bộng giếng. Cụ thể, với giếng khoan đường kính ống 60 mm, cấp tối thiểu 5 hộ gia đình, khoảng cách các giếng tối thiểu 200 m, hỗ trợ theo chiều sâu khoan thực tế với mức 150 ngàn đồng/m giếng khoan. Đối với giếng đào sâu thêm, âm bộng, lắp thêm bộng giếng, bơm hút sạch bùn cát trong lòng giếng, mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/giếng. Trường hợp đào giếng có nền đá ong, không âm bộng hỗ trợ 2 triệu đồng/giếng. Đối với phương án hỗ trợ xây dựng đường ống cấp nước từ các CTCNTT đến khu vực thiếu nước và cấp từ vòi nước công cộng, khoảng cách giữa các vòi tối thiểu 100m, mức hỗ trợ theo chi phí xây dựng trực tiếp từ dự toán được phê duyệt.
Về nguồn kinh phí hỗ trợ, từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh, huyện, thị xã, thành phố. Sau khi trừ phần kinh phí Trung ương hỗ trợ, kinh phí hỗ trợ còn lại được phân chia: Các huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100%; huyện Hoài Ân, ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, ngân sách huyện 30%. Các huyện, thị xã, thành phố còn lại, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, ngân sách địa phương 50%. Hiện Sở NN&PTNT đang phối hợp với các sở ngành của tỉnh hướng dẫn chính quyền các địa phương và người dân vùng bị hạn thực hiện QĐ 1629 của UBND tỉnh.
- Xin cảm ơn ông!
Tác giả bài viết: PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc