Đầu vụ mì có giá cao
Ông Đỗ Văn Tâm, Chủ tịch HĐQT BDSTAR, cho biết: Nhằm mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, trong vụ sản xuất này, nhà máy đã nâng công suất chế biến lên gấp đôi, từ 60 tấn sản phẩm/ngày lên 120 tấn sản phẩm/ngày, tương đương với sản xuất 30.000 tấn sản phẩm tinh bột/năm. Đơn vị đã đề ra kế hoạch thu mua 120 ngàn tấn mì nguyên liệu; đồng thời đã đầu tư hơn 10 tỉ đồng xây dựng hệ thống nhà xưởng, dây chuyền sấy bã khô công suất 6.000 tấn/năm, nhằm tận thu sản phẩm phụ từ chế biến tinh bột mì cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc.
Cũng theo ông Tâm, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân và nhà máy, trong vụ sản xuất này, BDSTAR đã ban hành, điều chỉnh các chính sách đầu tư, thu mua nguyên liệu hợp lý, bảo đảm người trồng mì có lãi ở mức trên 30%. Công ty cũng cam kết thực hiện mua nguyên liệu cho nông dân theo tinh thần Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Từ đầu tháng 9.2015 đến nay, BDSTAR đã thu mua bình quân mỗi ngày từ 150 - 170 tấn mì nguyên liệu. Thời điểm này, giá mì nguyên liệu ở mức 1,95 triệu đồng/tấn mì có hàm lượng tinh bột đạt 30%; 1,7 triệu đồng/tấn - 25%; 1,35 triệu đồng/tấn - 20%. So với thời điểm này năm ngoái, giá mì nguyên liệu tăng hơn 200 ngàn đồng/tấn. Theo tính toán của nông dân, với giá bán hiện nay, có lãi từ 16 - 20 triệu đồng/ha mì.
Hoạt động tổ chức mua mì nguyên liệu cũng được BDSTAR quan tâm, chấn chỉnh, tạo điều kiện để nông dân bán mì cho công ty được thuận lợi nhất. Công ty đã đầu tư gần 600 triệu đồng xây dựng các trạm thu mua nguyên liệu tại các vùng sản xuất, tránh việc nông dân bán sản phẩm qua thương lái bị ép giá, ép cấp; hợp đồng với các nhà xe vận chuyển mì nguyên liệu, không để nông dân phải chờ đợi, làm ảnh hưởng đến sản lượng và hàm lượng tinh bột. Sau khi cân nhập vào bãi chứa nguyên liệu của nhà máy, nông dân được thanh toán tiền mặt ngay. Thời điểm này tỉnh ta đang chuẩn bị bước vào mùa mưa lũ, BDSTAR đã cam kết thu mua toàn bộ mì nguyên liệu, không để nông sản bị thiệt hại do ngập lũ.
Ông Nguyễn Minh Thắng, Phó phòng Kinh doanh của BDSTAR, cho biết: Với hệ thống dây chuyền sản xuất đồng bộ, công nghệ tiên tiến, hiện đại của châu Âu, sản phẩm của công ty đạt chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời gian qua, sản phẩm tinh bột mì do đơn vị sản xuất được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Peru, Philippines… Đây là cơ sở để đơn vị tiếp tục đầu tư chế biến sâu các sản phẩm sau tinh bột, sẵn sàng hợp tác đầu tư liên doanh, liên kết, mở rộng thị trường với các đối tác trong và ngoài nước.
Mở rộng vùng nguyên liệu
Để đảm bảo đủ lượng mì nguyên liệu phục vụ nhà máy sau khi nâng công suất, BDSTAR đã triển khai nhiều chính sách đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu tại Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, An Lão, Hoài Ân và các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên…
Ông Trần Đăng Hóa, cán bộ Phòng nguyên liệu BDSTAR, cho biết: Thời gian qua, công ty đã phối hợp với Sở NN&PTNT quy hoạch lại vùng nguyên liệu tại các huyện trọng điểm sản xuất mì của tỉnh; đồng thời phối hợp với Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư tỉnh và chính quyền các địa phương nghiên cứu, khảo nghiệm, nhân các giống mì mới có tiềm năng năng suất, sản lượng cao đưa vào sản xuất để thay thế các giống mì cũ đã thoái hóa. Ngoài diện tích nhân giống mì mới 70 ha tại xã Cát Lâm (huyện Phù Cát), BDSTAR còn đưa vào trồng khảo nghiệm và nhân giống mì mới tại 2 xã Bình Tân và Bình Thuận (huyện Tây Sơn). Hiện nay, tổng diện tích mì trồng khảo nghiệm trên 150 ha với các giống HLS 10; HLS 11, KM 101, NA 1, Layjoong... Qua hơn 2 năm khảo nghiệm các giống mì mới, kết quả rất khả quan, năng suất mì đạt bình quân từ 30 - 50 tấn/ha, hàm lượng tinh bột trên 30%. Các giống mì này phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương và có thể trồng rải vụ để phục vụ nhu cầu sản xuất liên tục của nhà máy.
Từ kết quả khảo nghiệm trên, trong vụ sản xuất này, BDSTAR cung cấp hom mì miễn phí cho nông dân tại các vùng nguyên liệu để trồng mới hơn 1.000 ha. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng hỗ trợ phân bón; tăng cường tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng thâm canh, rải vụ, nâng cao năng suất mì tại các vùng nguyên liệu, nhằm đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động.
Tác giả bài viết: NGUYỄN HÂN
Ý kiến bạn đọc