Mới 4 giờ sáng, các nhà vườn đã lục đục thức dậy, đầu đội đèn, tay xách mô-tơ đem đến các vị trí lắp đặt và tiến hành bơm tưới. Những đường ống nhựa dài hàng trăm mét căng tròn đưa nước đến các vườn khổ qua xanh tốt, lúc lỉu trái đã đến kỳ thu hoạch.
Đây là vùng đất chỉ sản xuất một vụ/năm, do đặc thù địa hình, thổ nhưỡng. Thời điểm xuống giống khổ qua thường bắt đầu từ giữa tháng 7 Âm lịch, khi những trận mưa rào đủ thấm đất. Nhưng năm nay, do mưa rào đến muộn nên tới đầu tháng 8 Âm lịch bà con mới bắt đầu xuống giống. Tuy nhiên, nhờ tích cực đầu tư chăm sóc và chủ động nguồn nước tưới từ bầu Đưng, nên đến nay hầu hết các vườn khổ qua đã cho thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Lạc, một chủ vườn khổ qua, cho biết: “Vụ này nhà tôi trồng gần 2 sào, do thời tiết không thuận nên phải bơm tưới nhiều. Nhưng bù lại, khổ qua xanh tốt, sai quả; giá thị trường hiện nay trên dưới 8.500 đồng/kg, tăng gần gấp 2 lần so với cùng thời điểm năm ngoái”.
Bà Trần Thị Kim Hương, chủ vườn khổ qua khác, bộc bạch: “Trước đây, tôi chỉ có 1 sào trồng khổ qua. 2 năm nay, tôi làm thêm 1 sào rưỡi của “ông già” cho. Từ đầu vụ đến nay đã thu hơn 3 tạ quả, giá 8.000 đồng/kg, nay tăng lên 8.500 đồng/kg, hằng ngày, thương lái đến tận vườn thu mua nên khỏi mang ra chợ”.
Theo bà con trồng khổ qua ở đây, mấy năm trước, sau khi trừ chi phí, còn lãi được 15 triệu đồng/sào khổ qua. Năm nay năng suất, sản lượng đều tăng nên thu nhập cũng khá hơn. Được biết, để có được một sào khổ quả đạt hiệu quả kinh tế như hiện nay, bà con đã đầu tư thêm khoảng 400 ngàn đồng để mua lưới và sử dụng các trụ tre ở vườn nhà để thực hiện phương pháp trồng khổ qua giăng lưới; kết hợp các biện pháp đầu tư chăm sóc hợp lý...
Ông Đoàn Sỹ Nhơn, cán bộ khuyến nông của xã Phước An, chia sẻ: “Vụ Thu Đông năm 2015, toàn xã trồng hơn 15 ha khổ qua. Trong đó, có hơn 2/3 diện tích ở thôn Quy Hội. Đây cũng là vùng đất được mệnh danh là xứ sở la ghim, có truyền thống trồng dưa leo, khổ qua, hành, đậu các loại. Đặc biệt, cây khổ qua “thịnh hành” gần chục năm nay, bà con sử dụng giống mới năng suất cao và áp dụng phương pháp giăng lưới, tạo sự thông thoáng giữa các hàng cây khổ qua, hạn chế sâu bệnh, kéo dài thời gian cho quả và dễ dàng trong việc giằng neo để chống đổ ngã khi gặp gió bão”.
Ông Lê Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước An, cho biết: “Sắp tới, xã sẽ nhân rộng mô hình trồng khổ qua giăng lưới; chú trọng đầu ra sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong dịp Tết, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của bà con nông dân”.
Tác giả bài viết: KIM CƯƠNG
Ý kiến bạn đọc