Bình quân mỗi năm ngư dân Hoài Nhơn đánh bắt trên 44.000 tấn hải sản các loại. Trước đây số hải sản này chủ yếu bán tại chỗ cho các thương lái, những năm gần đây phần lớn được tiêu thụ tại địa phương để biến thành nhiều mặt hàng cao cấp tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Theo Phòng kinh tế huyện Hoài Nhơn, toàn huyện hiện có 250 cơ sở chế biến hải sản, gồm 229 cơ sở chế biến nước mắm, 21 cơ sở chế biến hải sản khô các loại. Các cơ sở chế biến hải sản đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 600 lao động tại địa phương.
Bà Mai Đào, chủ cơ sở chế biến hải sản Mai Đào ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc, chia sẻ: “Trước đây gia đình tui chủ yếu mua bán hải sản tươi sống, nhưng trong 3 năm gần đây đã chuyển sang nghề chế biến cá ngừ phi lê, hun khói; cá chỉ vàng và mực khô, vừa chạy hàng lại ít lo lắng đầu ra vì sản phẩm chế biến có thể bảo quản được lâu hơn”.
Bà Trần Thị Duyên, chủ cơ sở sản xuất nước mắm ở thôn Ca Công, xã Hoài Hương - một trong 14 cơ sở sản xuất nước mắm lớn nhất huyện, cho biết: “Trung bình hàng năm cơ sở của tôi sản xuất gần 100 ngàn lít nước mắm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng”.
Mặc dù là một trong những ngành nghề mang lại nguồn thu nhập lớn, góp phần giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương, tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường ở các cơ sở chế biến hải sản rất đáng báo động. Đồng thời, một số mặt hàng hải sản truyền thống, có giá trị cao của địa phương, đến nay đã dần khan hiếm do nguyên liệu chế biến thiếu ổn định.
Ông Trương Đình Khôi, chủ cơ sở Khôi Huệ, chuyên sản xuất sản phẩm vi cước cá và mực sơ chế, cho biết: “Nghề chế biến vi cước cá của gia đình tôi đã duy trì gần 30 năm, đây là một mặt hàng chủ lực trong các mặt hàng hải sản chế biến, có giá từ 5 triệu đồng đến 25 triệu đồng/kg. Vài năm gần đây, số lượng vi cá của ngư dân địa phương thu về sau mỗi chuyến biển rất ít, do nhiều tàu ngại cập cảng cá Tam Quan Bắc vì sợ mắc cạn, nên đã bán ở nơi khác. Hiện cơ sở của tôi chỉ chế biến mực sơ chế, hàng tháng cung ứng từ 10-15 tấn cho các cơ sở làm mực tẩm ở TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Quy Nhơn và Đà Nẵng.
Ông Trương Quang Minh, Phó chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, cho biết: Nghề chế biến hải sản ở địa phương tuy giải quyết được nhiều việc làm, đem lại thu nhập cao, song phần lớn các cơ sở ở đây đều sản xuất theo quy mô hộ gia đình, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm hạn chế hoạt động sản xuất.
Cũng theo ông Minh, tỉnh đã có kế hoạch nạo vét thông luồng khu neo đậu tàu thuyền cảng cá Tam Quan Bắc, và xây dựng lại khu chế biến hải sản tập trung tại Gò Dài, nằm cách biệt khu dân cư. Đây được coi là một biện pháp khả thi trong điều kiện hiện nay, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như tạo điều kiện cho nghề chế biến hải sản ở địa phương phát triển ổn định và bền vững.
Tác giả bài viết: BẢO SƯƠNG - ÁNH NGUYỆT
Ý kiến bạn đọc