324 ha lúa ĐX bị rầy gây hại
Theo Chi cục TT-BVTV, vụ ĐX năm nay, toàn tỉnh gieo sạ 47.870 ha lúa. Hiện nay, diện tích lúa chân cao đang giai đoạn ngậm sữa - chắc xanh; lúa chân 2 - 3 vụ giai đoạn trổ đều - ngậm sữa - vào chắc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tại nhiều địa phương trong tỉnh, RN-RLT và một số đối tượng sâu bệnh khác đã phát sinh gây hại mạnh và nguy cơ lây lan ra diện rộng.
Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV, cho biết: Qua kiểm tra đồng ruộng, trên diện tích lúa ĐX đại trà, RN-RLT đang ra rộ gây hại với diện tích 324 ha, tập trung trên địa bàn các huyện: Tây Sơn 165,5 ha, Phù Cát 100 ha, An Nhơn 48 ha, Tuy Phước 10,5 ha. Trên diện tích lúa bị nhiễm, mật độ rầy phổ biến từ 1.500 - 2.000 con/m2; nơi cao từ 3.000 - 5.000 con/m2; cá biệt, có nơi cao trên 6.000 con/m2. Các giống lúa bị rầy gây hại nặng gồm: VĐ 8, ĐV 108, Khang Dân 18, U ải 32, IR 13-2, Q 5, OM6162… Bên cạnh đó, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, chuột cũng đã xuất hiện gây hại trên diện tích hơn 200 ha tại các huyện Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, Hoài Ân, Hoài Nhơn.
Ông Võ Xuân Thiết, Trưởng Trạm TT-BVTV huyện Tuy Phước, cho biết: Đến thời điểm này, qua kiểm tra đồng ruộng, trạm đã phát hiện có 17,5 ha lúa ĐX bị RN-RLT gây hại. Trong đó, diện tích lúa trên địa bàn các xã Phước An, Phước Lộc, Phước Thắng, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Hưng đã phát hiện có rầy. Từ Tết Nguyên đán đến nay, Trạm đã tập trung phối hợp với chính quyền các địa phương khoanh vùng, hướng dẫn nông dân phòng trừ rầy, nhưng đáng lo ngại là nhiều hộ nông dân còn chủ quan, ỷ lại. Bên cạnh đó, việc phòng chống rầy gặp một số khó khăn do nông dân phun thuốc BVTV chưa tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” nên hiệu quả mang lại chưa cao.
Theo Chi cục TT-BVTV, nguyên nhân làm cho RN-RLT phát sinh mạnh là do chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm khá lớn, kèm theo đó là sương mù dày đặc vào sáng sớm, độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho rầy phát triển mạnh. Ngoài ra, tại một số địa phương, nhiều nông dân còn sử dụng các giống lúa bị nhiễm rầy để sản xuất như: Uải 32, Khang Dân 18, IR 13-2… Hiện Chi cục đang tăng cường phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân phòng trừ RN-RLT. Theo dự tính, dự báo của ngành chức năng, từ ngày 8.3 đến, một đợt RN-RLT mới sẽ tiếp tục nở rộ gây hại lúa chân 2 vụ giai đoạn đòng trổ ở các địa phương trong tỉnh. Trong đó, đáng chú ý nhất là các huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn, Tây Sơn, An Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ… Chi cục TT-BVTV khuyến cáo, nếu các địa phương không khẩn trương chỉ đạo phòng trừ RN-RLT quyết liệt, có kế hoạch chuẩn bị thuốc BVTV, khoanh vùng phòng trừ kịp thời thì có nguy cơ xảy ra cháy rầy trên diện rộng.
Cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”
Theo ông Nguyễn Tấn Phát, vụ ĐX là vụ sản xuất chính trong năm, do vậy, năng suất, sản lượng lúa trong vụ ĐX có ý nghĩa rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp cả năm của tỉnh. Để kịp thời khống chế RN-RLT và các đối tượng sâu bệnh gây hại lúa, thời gian qua, Chi cục TT-BVTV đã thành lập nhiều tổ công tác phối hợp cùng chính quyền địa phương hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng chống. Chi cục TT-BVTV tỉnh vừa hỗ trợ khẩn cấp cho huyện Phù Cát 400kg thuốc Bassa 50EC và 3.400 gói thuốc Chess 50WG để phun trừ trên diện tích 100 ha.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, để diệt trừ RN-RLT và các đối tượng sâu bệnh có hiệu quả, việc phun thuốc BVTV phải theo nguyên tắc “4 đúng”, gồm: đúng thuốc, đúng liều lượng - nồng độ, đúng lúc và đúng cách. Khi phát hiện rầy có mật độ từ 1.500 - 6.000 con/m2 thì dùng một trong các loại thuốc đặc trị rầy sau để phun xịt: Thuốc Chess 50 WG, liều lượng 3 gói (7,5 gram/gói) pha 24 lít nước phun 1 sào (500m2); thuốc Bassa 50 EC + Chess 50WG, liều lượng 100 ml thuốc pha với 32 lít nước phun 1 sào. Thuốc Map Arrow 420WP liều lượng 65-100 gam thuốc pha 24 lít nước phun 1 sào; thuốc Nipy Ram 50WP (Chet Ray), liều lượng 14-21 gam thuốc pha với 16-24 lít nước phun 1 sào.
Sau khi phun từ 3 - 5 ngày, cần kiểm tra đồng ruộng, nếu thấy rầy còn sót lại (mật độ trên 1.500 con/m2) thì phun lại lần 2. Thuốc phun lần 2 khác so thuốc lần 1. Phun thuốc phải đảm bảo lượng nước như hướng dẫn, ướt đều trên thân, gốc lúa; nên phun vào chiều mát hoặc sáng sớm; thường xuyên giữ nước trên ruộng từ 5 - 15 cm.
Tác giả bài viết: NGUYỄN HÂN
Ý kiến bạn đọc