Khách hàng vay vốn là các pháp nhân và cá nhân Việt Nam đang và sẽ tiến hành các hoạt động sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn tại các địa bàn nằm trong vùng triển khai DA; có nhu cầu vay vốn để xây dựng các chuỗi giá trị KSH đạt tiêu chuẩn; cam kết tuân thủ các tiêu chí kỹ thuật đối với vận hành và duy tu bảo dưỡng công trình; có khả năng và sẵn sàng trả nợ cho ngân hàng đúng hạn; tuân thủ quy định của ngân hàng cho vay và các quy định khác về đảm bảo tiền vay. Theo quy định, quy mô công trình 50 m3, người dân được vay tối đa 100 triệu đồng, thời hạn 5 năm; từ 51 - 499 m3 được vay 1,7 tỉ đồng và quy mô 500 m3 được vay 3,74 tỉ đồng, trong thời hạn 10 năm. Lãi suất tối đa bằng 90% mức lãi suất chi nhánh cho vay đối với lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp từng thời kỳ.
Ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Ban quản lý DA Hỗ trợ các bon thấp tỉnh, cho biết: Nhu cầu về vốn để xây dựng công trình KSH (chủ yếu xây dựng công trình quy mô nhỏ) ở tỉnh ta rất lớn, nhưng định mức vay chưa đáp ứng yêu cầu của người dân, trong đó quy định người vay phải có tài sản thế chấp mới được vay vốn là rào cản lớn đối với người dân khi muốn tiếp cận vốn ngân hàng. Hơn nữa, thủ tục vay vốn phức tạp, nên người dân không muốn vay. Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 40 hộ dân vay 2,615 tỉ đồng từ Co-op Bank Bình Định và 6 hộ dân vay 60 triệu đồng từ Agribank Bình Định để xây dựng công trình và các hạng mục công trình KSH.
Cũng theo ông Đào Văn Hùng, để người dân tham gia tín dụng chuỗi giá trị KSH, các ngân hàng thương mại cần xem xét, điều chỉnh định mức vay và định chế vay vốn. Bên cạnh đó, mở rộng và đa dạng các hạng mục cho vay trong một khoản vay theo chuỗi giá trị, bao gồm hầm khí sinh học, cho vay hỗ trợ chăn nuôi, xây dựng, cải tạo chuồng trại, xử lý phế phụ phẩm trong nông nghiệp và chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ, xử lý môi trường trong chăn nuôi…
Tác giả bài viết: PHẠM TIẾN SỸ
Ý kiến bạn đọc