Từ năm 2011 đến năm 2017, xã đã đầu tư 45,3 tỉ đồng (gồm Trung ương hỗ trợ 3,46 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 8,44 tỉ, ngân sách huyện 2,6 tỉ, ngân sách xã 24,54 tỉ, vốn doanh nghiệp 968 triệu đồng, nhân dân đóng góp 3,5 tỉ đồng) xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh. Trong đó, đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp trạm bơm; kiên cố hóa 27 km/30,3 km kênh mương nội đồng do xã quản lý, đạt tỉ lệ 89,1%; bê tông hóa 11,9 km đường trục xã, liên xã, đạt tỉ lệ 100%; đường trục thôn, liên thôn 12,15 km/16,5 km, đạt 73,6%; cứng hóa đường ngõ xóm đạt 74,46%, đường trục chính nội đồng đạt 70,9%. Cơ sở vật chất các trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa thể thao ở Tây Thuận cũng được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố.
Xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao đời sống người dân, xã đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; xây dựng thành công cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa và mía diện tích 90 ha ở thôn Tiên Thuận; quy hoạch khu chăn nuôi tập trung rộng 43 ha; phối hợp với Nhà máy Đường An Khê xây dựng vùng nguyên liệu mía 150 ha sản xuất theo quy trình tiên tiến... Đã có nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập cho nhân dân. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người là 31,4 triệu đồng/năm, tăng gấp đôi so với năm 2011. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 4,39%.
Mới đây, qua kiểm tra thẩm định, Đoàn công tác của tỉnh thống nhất đánh giá xã Tây Thuận đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM và sẽ phối hợp với huyện Tây Sơn lập thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt, công nhận Tây Thuận đạt chuẩn NTM năm 2017.
Ông Nguyễn Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Tây Thuận, cho biết: Hiện xã có khoản nợ xây dựng cơ bản trên 12 tỉ đồng, nhưng căn cứ vào khả năng cân đối của địa phương, đến quý I.2018 xã sẽ thanh toán dứt điểm. Trong thời gian đến, xã tiếp tục nâng cấp các tuyến đường trục xã, liên xã đạt 100%; đầu tư xây dựng mới 4,35 km đường trục thôn, liên thôn; 4,2 km đường ngõ xóm; gần 31,5 km đường trục chính nội đồng; kiên cố hóa 3,3 km kênh mương còn lại. Tăng cường thu gom và xử lý chất thải trên địa bàn toàn xã. Đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác, tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT, cơ giới hóa sản xuất để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.
Tác giả bài viết: HOÀNG CHI
Ý kiến bạn đọc