Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) mới đây trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đề án tái cơ cấu ngành điều theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu điều nhân đạt giá trị 3,62 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay và đứng vị trí số 1 trong nhóm 5 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Đồng thời, tiếp tục duy trì thị phần trên 60% tổng giá trị xuất khẩu nhân điều toàn cầu (khoảng 5,5 tỉ USD) và tiếp tục giữ vị trí số 1 thế giới về chế biến, xuất khẩu nhân điều.
Mặc dù có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, ngành điều Việt Nam cũng đang bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập khi tốc độ tăng trưởng về sản xuất (trồng trọt) chưa theo kịp với tăng trưởng của ngành chế biến. Trong năm 2017, sản lượng điều thô trong nước chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trong ngành này đang diễn ra ngày càng gay gắt từ các đối thủ đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia…
Trao đổi với báo chí, Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho rằng, phát triển bền vững ngành điều, cần có những giải pháp tổng thể. Theo đó, sẽ tiếp tục giữ nguyên 300.000ha và không tăng diện tích sản xuất. Xây dựng quy trình thích ứng cho từng tiểu vùng điều trọng điểm là Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Nam trung bộ. Mỗi tiểu vùng có 1 bộ quy trình phù hợp, kèm theo mỗi bộ quy trình là 1 cơ cấu giống hợp lý với phương thức canh tác sạch; tập trung phát triển chế biến sâu, đầu tư, khuyến khích DN tập trung phát triển chế biến sâu, lựa chọn những DN có năng lực để đầu tư mũi nhọn. Tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến xuất khẩu, trong đó, vai trò của DN chủ động liên kết với nhau, liên kết với nông dân đóng vai trò rất lớn.Áp dụng phương thức canh tác, mỗi giống điều phù hợp với từng tiểu vùng.
Chú trọng đến công tác giống, quản lý quy trình về phân bón đúng chất lượng, phù hợp với cây điều, với vùng trồng. Ngoài ra, công tác thuỷ lợi vì hầu hết các vùng trồng điều đều khó khăn về nguồn nước tưới, nhất là vào mùa khô, mùa quyết định năng suất hạt điều. Do đó, cần có giải pháp khoa học như công nghệ tưới nhỏ giọt, đảm bảo cây điều đủ nước để phát triển.
“Trong việc thành lập hợp tác xã, DN phải cùng với chính quyền có trách nhiệm lập chứ không phải việc riêng của tổ chức nào. Hiện nay, nhiều DN đã nhận thức rõ điều này. Làm sao cùng chính quyền, cùng bà con nông dân xây dựng mối liên kết chặt, từ tổ chức sản xuất, ứng dụng KHKT, ổn định việc thu mua, chế biến, và tổ chức phát triển thị trường tiêu thụ cả trong nước và thế giới,” - Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: Theo LĐO
Ý kiến bạn đọc