Ông Văn Thái Toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương), cho biết: “Các DN, cơ sở sản xuất cơ khí trên địa bàn tỉnh đã tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, nổi trội so với khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong số 9 sản phẩm được vinh danh sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên 2018, có nhiều sản phẩm về cơ khí như: máy tuốt lúa, cụm sản phẩm trang bị tàu đánh bắt xa bờ, máy làm nhang vòng… được Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) đánh giá cao về tiêu chí doanh thu, sản phẩm bán ra, thị trường tiêu thụ trên cả nước, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn”.
Cơ sở sản xuất Quang Toàn của ông Trần Quang Toàn (ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) mỗi năm sản xuất 40 - 50 chiếc máy tuốt lúa (được bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2018), giá bán từ 100 - 120 triệu đồng/chiếc, lợi nhuận 20 - 30 triệu đồng/chiếc; giải quyết việc làm cho 7 lao động địa phương với mức lương từ 7,5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm được tiêu thụ mạnh ở trong tỉnh và khu vực Tây Nguyên. Máy tuốt lúa này có thể tuốt lúa của 5 - 6 mẫu ruộng/ngày, tiêu tốn khoảng 40 lít dầu, rút ngắn được thời gian thu hoạch, giảm chi phí nhân công.
Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Đường Minh (ở phường Đập Đá, TX An Nhơn) đã tạo dựng thương hiệu DN trên thị trường cả nước với cụm sản phẩm trang bị cho tàu đánh bắt xa bờ, gồm ru lô (tời kéo lưới), khoen (thiết bị làm chìm lưới đánh cá), máy bơm nước trên tàu cá, nhông cẩu kéo lưới... Cụm sản phẩm này đã được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp trong nhiều năm liền. Cuối năm 2017, được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia với số tiền 200 triệu đồng, Công ty Đường Minh đầu tư công nghệ luyện kim bằng lò trung tần (lò điện cảm ứng), công suất nung 4 tấn kim loại/ngày, cho ra sản phẩm đồng nhất, đẹp hơn vì kiểm soát được nhiệt độ nung kim loại.
Ông Đào Quyết Thắng, Giám đốc Công ty Đường Minh, cho hay: “Việc áp dụng công nghệ hiện đại đã nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường. DN dự tính sẽ mở rộng sản xuất thêm mặt hàng thủ công mỹ nghệ đúc kim loại áp dụng phương pháp tạo khuôn đúc truyền thống kết hợp với kỹ thuật nung kim loại hiện đại”.
Ngoài các sản phẩm cơ khí, các sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm ở một số địa phương cũng đã khẳng định thương hiệu trên thị trường. Ông Nguyễn Văn Đẹp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: Các cơ sở CNNT trong huyện từng bước mở rộng quy mô sản xuất. Trong đó, một số sản phẩm như nước mắm Như Hoa, dầu dừa tinh khiết Ngọc An… nhiều năm liền được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia, được người tiêu dùng ưa chuộng, có thị trường tiêu thụ trong cả nước.
Theo ông Văn Thái Toàn, các sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh, nhất là nhóm sản phẩm thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí đã khẳng định vị thế trên thị trường cả nước. “Thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung triển khai có hiệu quả các đề án khuyến công hỗ trợ thiết bị, máy móc, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… để các DN, cơ sở CNNT từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp”, ông Toàn nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: NGỌC NHUẬN
Ý kiến bạn đọc