Phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường
Theo ông Huỳnh Văn Thành, Phó trưởng thôn Ngãi Chánh, làng nghề có khoảng 400 hộ dân với gần 1.300 nhân khẩu. Trước đây, các hộ gia đình trong làng chủ yếu sản xuất bún tươi bằng phương pháp thủ công, với sản lượng khoảng 100 kg/ngày. Hiện nay có 20 hộ đầu tư, mua sắm máy móc sản xuất bún tươi, tổng sản lượng bún mỗi ngày của làng nghề khoảng 5 - 10 tấn. Bà Trần Thị Mỹ Lệ, chủ một hộ chuyên làm bún tươi ở Ngãi Chánh cho biết, trung bình mỗi ngày gia đình bà sản xuất khoảng 450 kg bún, còn những ngày lễ tết sản lượng tăng lên gần gấp đôi. Thị trường tiêu thụ bún ngày càng phát triển, ngoài Quy Nhơn, Tuy Phước, bún tươi Ngãi Chánh còn vươn vào tới Phú Yên, lên Tây Nguyên, thậm chí gần đây bắt đầu vào tận TP Hồ Chí Minh.
Ngãi Chánh từng là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường, nhưng giờ đây làng nghề đã có công trình xử lý nước thải nên vấn nạn này được cải thiện khá nhiều. Nói về vấn đề này, ông Đặng Trần Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Quan trắc TN&MT (Sở TN&MT) cho biết: Cuối tháng 3.2018, Dự án “Xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại làng nghề Ngãi Chánh” được UBND tỉnh phê duyệt. Đây là công trình thuộc Dự án “Quỹ hỗ trợ Tăng trưởng xanh (GGSF)”, do Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ. Sở TN&MT là Chủ đầu tư dự án và Trung tâm Quan trắc TN&MT được giao nhiệm vụ quản lý. Mục tiêu của dự án là: Thu gom và xử lý nước thải phát sinh từ sản xuất bún tươi tại làng nghề Ngãi Chánh, với công suất xử lý là 120 m3/giờ, đảm bảo làng nghề phát triển bền vững đồng thời nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng.
Ngãi Chánh với mục tiêu tăng trưởng xanh
Có thể nói, hệ thống xử lý nước thải tập trung là công trình có ý nghĩa đối với chính quyền xã Nhơn Hậu và người dân Ngãi Chánh nói riêng. Trao đổi với PV báo Bình Định, ông Võ Anh Tú, Phó giám đốc Công ty CP Công nghệ môi trường Miền Trung - đơn vị chịu trách nhiệm thi công hệ thống xử lý nước thải ở làng nghề Ngãi Chánh - cho biết: Hệ thống xử lý nước thải tập trung ở Ngãi Chánh là công trình quy mô, hiện đại đối với một làng nghề, sử dụng công nghệ sinh học để xử lý nước thải, chất lượng nước sau khi xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT của Bộ TN&MT. Kết quả, cuối tháng 4.2019, công trình đã được Sở TN&MT nghiệm thu.
Còn theo ông Giả Văn Thọ - Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu, đây là công trình không chỉ có ý nghĩa đối với riêng làng nghề Ngãi Chánh, mà cả đối với xã Nhơn Hậu. Đây sẽ là cơ hội để Ngãi Chánh phát triển bền vững theo hướng “tăng trưởng xanh”.
Tuy nhiên, làng nghề Ngãi Chánh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Ông Huỳnh Văn Thành cho biết: Hệ thống xử lý nước thải tập trung đã hoàn thành nhưng vẫn còn nhiều hộ chưa thể đấu nối vào hệ thống. Bên cạnh đó là vấn đề quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải trên như thế nào, kinh phí ra sao vẫn còn bỏ ngỏ?
Theo bà Trần Thị Mỹ Lệ, chi phí tiền điện, phí xả nước thải… thật sự một khó khăn lớn đối với các hộ sản xuất bún ở Ngãi Chánh. Theo tính toán sơ bộ, mỗi hộ gia đình nếu tham gia đấu nối xả nước thải vào hệ thống xử lý tập trung sẽ phải đóng hơn 10 triệu đồng/tháng. Đây là khoản chi mà các hộ làng nghề không thể đáp ứng nổi.
Xung quanh vấn đề trên, ông Võ Anh Tú cho biết: Trước mắt, Công ty sẽ “gánh” toàn bộ chi phí công trình (gồm phí quản lý, vận hành, tiền điện); đồng thời tổ chức tập huấn về công tác quản lý, vận hành hệ thống cho địa phương. Còn theo ông Giả Văn Thọ, trong tháng 5.2019, UBND xã Nhơn Hậu sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TX An Nhơn và cơ quan chức năng để bàn bạc, tìm giải pháp nhằm quản lý, vận hành hiệu quả công trình hệ thống xử lý nước thải tập trung Ngãi Chánh. Hy vọng các khó khăn, vướng mắc trên sẽ được tháo gỡ để không chỉ giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, mà còn là cơ hội để làng nghề bún tươi Ngãi Chánh phát triển theo hướng “tăng trưởng xanh”.
Tác giả bài viết: VIẾT HIỀN
Ý kiến bạn đọc