Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận cho biết, vài năm trở lại đây, xã Bình Thuận đã vận động nông dân ở các thôn Thuận Nhứt, Thuận Truyền, Thuận Hiệp và Thuận Hạnh chuyển đổi sang các loại cây trồng cạn, trong đó có cây đậu phụng, diện tích chuyển đổi khoảng 40 ha/vụ. Qua các vụ chuyển đổi, cây đậu phụng đều cho năng suất cao, nông dân có lãi hơn so với trồng lúa.
Cùng với Bình Thuận, các xã Bình Tân, Bình Hòa, Bình Nghi cũng chuyển đổi thành công nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn. Ông Hồ Sỹ Lai, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân cho hay: Hầu hết các thôn trên địa bàn xã đều thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại nguồn thu nhập rất đáng kể. Chị Mai Thị Mỹ Lệ, một người trồng rau ở xã Bình Tân phấn khởi: Chúng tôi chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng bầu, mướp, dưa leo, khổ qua, ớt... Bà con lập tổ sản xuất, bàn tính nhau trồng nhiều loại rau, không trồng cùng một lúc để tránh bị ép giá... Kết quả rất ổn định, bà con phấn khởi.
Tương tự, Bình Nghi cũng là địa phương thành công trong công tác luân canh, chuyển đổi cây trồng, đặc biệt với hai loại cây: bí đao xanh và dưa hấu. Ông Võ Văn Bốn, một nông dân chuyên trồng bí đao xanh phấn khởi: Gia đình tôi trồng 15 sào bí đao xanh, giá cả nói chung ổn định, lãi từ 2-3 triệu đồng/sào, so với trồng lúa thì cao hơn nhiều, lại ổn định.
Đến nay, huyện Tây Sơn đã chuyển đổi được gần 150 ha đất lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn khác như bắp, mè, dưa, rau các loại. Trên các diện tích đã chuyển đổi, bình quân mỗi năm nông dân thu lãi 30 - 40 triệu đồng/ha, có nơi lên đến 60 - 70 triệu đồng/ha, tăng gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa. Ông Trần Văn Lượng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, quy hoạch những diện tích cần chuyển đổi; tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng phù hợp với yêu cầu; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Đặc biệt sẽ nghiên cứu để tìm thêm các giống cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp thổ nhưỡng địa phương, chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ mới nhằm giúp nông dân sản xuất tốt hơn, nâng cao thu nhập; phối hợp xây dựng một số mô hình như: xây dựng vùng nguyên liệu đậu xanh phục vụ hoạt động chế biến một số đặc sản của Tây Sơn, mở rộng vùng rau an toàn, trồng cỏ, trồng bắp làm thức ăn chăn nuôi.
Tác giả bài viết: VĂN PHONG
Ý kiến bạn đọc