Bà Dương Thị Thanh Hồng cho biết, toàn bộ các công đoạn đều được làm bằng máy, bà ngồi chờ người của doanh nghiệp cân lúa xong đến ký rồi về: “Mua lúa tươi nhưng giá lúa khô ở ngoài bán bao nhiêu thì ở đây người ta mua bấy nhiêu. Nhàn hơn là không phải phơi, chuyển lên rồi mình cân rồi giao tại ruộng. Một cái lợi nữa là người ta chỉ trừ có 5%”.
Mô hình “Liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản gắn với cung ứng vật tư nông nghiệp” do Sở Công Thương tỉnh Bình Định tổ chức, đầu tư và hỗ trợ xây dựng. Một số Công ty tham gia vào chuỗi liên kết sẽ hỗ trợ giống. Các HTX có nhiệm vụ quy hoạch, tập trung ruộng lúa của người dân thành vùng sản xuất cánh đồng mẫu lớn.
Đầu vụ, Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định tổ chức 12 lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, tạo ra sản phẩm đồng đều, đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm…
Thực hiện mô hình thí điểm ở HTX Nông nghiệp Phước Sơn 1 có gần 160 hộ nông dân tham gia trên diện tích gần 30ha. Theo đó, Sở Công Thương Bình Định hỗ trợ nông dân gần 70 triệu đồng để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; doanh nghiệp cho bà con tạm ứng lúa giống trị giá gần 40 triệu đồng… Sau đó, doanh nghiệp và người nông dân ký hợp đồng thu mua sản phẩm tại ruộng theo giá cố định đầu vụ hoặc giá thị trường thời điểm thu mua.
Qua thực hiện thí điểm mô hình này ở HTX Nông nghiệp Phước Sơn 1, ruộng lúa đạt năng suất trung bình hơn 68 tạ/ha, cao hơn so với 65 tạ/ha với lúa ngoài mô hình; tổng thu gần 46 triệu đồng, cao hơn ngoài mô hình hơn 6,3 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty giống Bình Định doanh nghiệp trực tiếp mua lúa tại chân ruộng cho biết: “Ký từ đầu vụ, bây giờ tới thời điểm thu hoạch chúng tôi thu về chế biến đổ vào kho để tiêu thụ. Chất lượng lúa của năm nay năng suất đạt hơn những năm trước. Đối với người dân, mình cung ứng lúa giống ban đầu. Đến thời điểm thu mua, đảm bảo 100% đầu ra cho người dân. Còn người nông dân có trách nhiệm sản xuất lúa tiêu chuẩn. Cái này mang tính chất đại trà, quy trình bón phân, chăm sóc theo quy trình đưa ra có thể kiểm soát được”.
“Liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản gắn với cung ứng vật tư nông nghiệp” là mô hình mới triển khai trên đồng ruộng tỉnh Bình Định. Sở Công thương tỉnh Bình Định đã xây dựng 2 dự án. Một là, Dự án Doanh nghiệp - HTX- Nông dân tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp tại vùng sản xuất nông nghiệp tập trung xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Dự án thứ 2, là trồng 1.000 cây dừa, thực hiện tại 3 xã của huyện Hoài Nhơn.
Kết quả, dự án trồng dừa ở huyện Hoài Nhơn thu hoạch gần 70 quả/cây/năm, tăng gấp rưỡi so với ngoài mô hình. Tổng thu 1ha dừa trong mô hình hơn 43 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình gần 18 triệu đồng mỗi ha.
Ông Lê Hồng Tây, Trưởng phòng Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Bình Định, chủ nhiệm 2 dự án này chia sẻ: “Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh về nhân rộng mô hình thì đối với sản xuất lúa không tập trung sẽ nhân rộng tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước và lạc tại Phù Cát. Hy vọng rằng, hàng năm tỉnh sẽ bố trí và sẽ liên kết được cho những sản phẩm khác như ớt, dưa hấu”./.
Tác giả bài viết: Theo Vov.vn
Ý kiến bạn đọc