TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, cho biết: Viện sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu chọn tạo ra các giống lúa có chất lượng và thời gian sinh trưởng ngắn nhằm giảm thiểu thời gian cây lúa đứng trên đồng nhưng tiềm năng năng suất vẫn phải đảm bảo từ 70 tạ/ha trở lên. Thời gian cây lúa đứng trên đồng ngắn sẽ giảm được một phần nước tưới và đảm bảo thu hoạch an toàn trong khung lịch thời vụ. Song song đó, tính chống chịu sâu bệnh hại của cây lúa cũng được chú trọng trong việc chọn tạo các giống lúa mới.
Một lợi thế nữa trong sản xuất lúa giống tại Bình Định là ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương đã chỉ đạo và vận động nông dân thực hiện khá tốt chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn trên cơ sở phối hợp với các DN thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa giống. Trong vụ Đông Xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh đã duy trì được 148 cánh đồng mẫu lớn, 10 cánh đồng tiên tiến và thực hiện 4 cánh đồng lớn sản xuất lúa giống… với tổng diện tích sản xuất lúa giống toàn tỉnh gần 2.500 ha, năng suất bình quân ước đạt 73 tạ/ha, lợi nhuận bình quân xấp xỉ 30 triệu đồng/ha.
Tại Hội nghị Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2019 - 2020, kế hoạch sản xuất Hè Thu, năm 2020 các tỉnh, thành vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tổ chức tại Bình Định cách đây hơn một tháng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng: Bình Định có lợi thế về thời tiết, khí hậu phù hợp để gieo sạ vụ Đông Xuân sớm và cũng là một trong những tỉnh đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu giống từ giống lúa có chất lượng phẩm cấp trung bình và thấp sang sử dụng giống lúa chất lượng cao. Đây là một trong những điều kiện để thu hút các DN liên kết làm ăn lâu dài với bà con nông dân, từng bước hình thành nên trung tâm sản xuất lúa giống không những phục vụ cho nhu cầu giống của vùng duyên hải Nam Trung bộ mà còn cung cấp ra các vùng khác, đặc biệt là vùng phía Bắc.
Tác giả bài viết: ĐINH VĂN TOẠI
Ý kiến bạn đọc