Từ năm 2015 đến nay, tại xã An Hưng, huyện An Lão có 37,3 ha đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý, bị người dân lấn chiếm, trồng keo trái phép. Chủ tịch UBND huyện An Lão Phạm Văn Nam cho biết: Sau khi xử lý 37,3 ha rừng trồng vi phạm nêu trên, huyện sẽ có giải pháp quy hoạch lại, giao cho cộng đồng dân cư quản lý. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan, chính quyền các địa phương chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, tăng cường tuần tra bảo vệ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để hiện tượng kể trên tái diễn.
Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, huyện Vân Canh được tỉnh giao quản lý hơn 16.450 ha rừng; trong đó có hơn 13.245 ha rừng tự nhiên. Theo ông Cái Minh Tùng, Chủ tịch Công ty, phần lớn diện tích rừng tự nhiên của công ty giáp ranh với diện tích rừng trồng của người dân, nên công ty bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát để quản lý, bảo vệ; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết bảo vệ rừng. Đồng thời ký hợp đồng với 9 làng tại các xã: Canh Liên, Canh Hiệp, Canh Thuận để phối hợp bảo vệ rừng. Nhờ đó, tình trạng người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp do công ty quản lý đã giảm đi so với trước rất nhiều.
Qua công tác tuần tra bảo vệ rừng, từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) đã phát hiện, lập biên bản 4 vụ phá rừng, 4 vụ khai thác rừng trái pháp luật; phá bỏ 48 ha cây trồng trên đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật. Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lê Đức Sáu cho biết: “Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp với chính quyền các xã, phường, thị trấn tăng cường tuần tra, kiểm tra, nhằm phát hiện sớm hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp để tham mưu cho cấp có thẩm quyền xử lý. Chức năng và thẩm quyền của chúng tôi chỉ ở phần xử lý cây trồng trên đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật!”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Chúng tôi đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh và hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố rà soát, kiểm tra, lập lại quy hoạch sử dụng rừng và đất lâm nghiệp. So với các vi phạm trong lĩnh vực đất đai thì việc xử lý vi phạm lấn chiếm đất lâm nghiệp có phần thuận lợi hơn. Song tôi nghĩ việc xử lý vi phạm phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định, và đặc biệt phải gắn với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, có như vậy mới hạn chế được tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp.
Do việc trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên vì cái lợi trước mắt, nhiều người đã lấn chiếm để trồng cây, trồng rừng sản xuất. Kiểm lâm là lực lượng nắm chắc các diễn biến vi phạm nhất nhưng do việc kết nối giữa lực lượng này với thôn, xã, ngành chức năng còn chưa tốt nên tình trạng lấn chiếm vẫn cứ kéo dài. Nếu chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm phối hợp tốt hơn nữa vấn đề này sẽ sớm có chuyển biến tích cực.
Tác giả bài viết: NGỌC NHUẬN
Ý kiến bạn đọc