Năm 2014, chị Đào Thị Cam vay Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh 30 triệu đồng, với lãi suất ưu đãi để mua 2 con bò sinh sản, phát triển nghề nuôi bò. 3 năm sau, từ tiền bán bò chị Cam đã trả đủ cả gốc và lãi cho ngân hàng. Nhận thấy nghề nuôi bò đạt hiệu quả cao, gia đình chị Cam vay tiếp Ngân hàng CSXH huyện 40 triệu đồng, mua thêm 2 con bò sinh sản và trồng cỏ nuôi bò. Đến nay đàn bò gia đình chị đã có 9 con, mỗi năm xuất bán 2 - 3 con, thu về 60 - 80 triệu đồng. Nhờ vậy cuối năm 2018 gia đình chị đã thoát được hộ nghèo.
Nghề nuôi bò phát triển rất mạnh ở xã Vĩnh Hiệp, đặc biệt là thôn Vĩnh Thọ. Ông Nguyễn Văn Thể, tổ trưởng Tổ vay vốn thôn Vĩnh Thọ, cho biết thêm: Chăn nuôi bò sinh sản là thế mạnh ở thôn Vĩnh Thọ. Gần như hộ nào cũng nuôi. Ở Vĩnh Thọ trong thời gian qua có nhiều hộ thoát nghèo cũng chính là nhờ đầu tư chăn nuôi bò. Vừa rồi Ngân hàng CSXH huyện nâng mức vay lên tới 100 triệu đồng nên bà con rất mừng. Đây là cơ hội để bà con có thể mở rộng chăn nuôi, nâng cao nguồn thu nhập.
Tại huyện Vĩnh Thạnh, nghề nuôi bò sinh sản và bò thịt chất lượng cao đang được rất nhiều hộ nông dân xác định là hướng thoát nghèo bền vững. Hiện đàn bò của huyện đã có trên 17.000 con, trong đó bò lai chiếm 92% tổng đàn. Để giúp các hộ nghèo phát triển chăn nuôi bò, nâng cao hiệu quả kinh tế, Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh trong thời gian qua đã chú trọng cho vay các dự án phát triển chăn nuôi. Đến thời điểm này đã có trên 5.300 hộ vay với tổng số tiền hơn 270 tỷ đồng, trong đó có trên 60% số hộ vay đầu tư nuôi bò sinh sản.
Bà Nguyễn Thị Lương Nguyệt, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Chúng tôi ưu tiên cho các hộ nghèo vay đầu tư trồng trọt và chăn nuôi. Sau khi giải ngân, Ngân hàng CSXH huyện còn phối hợp với các đoàn thể ở địa phương tổ chức kiểm tra, hướng dẫn bà con sử dụng vốn đúng mục đích. Qua việc vay vốn phát triển kinh tế, có thể khẳng định đầu tư phát triển chăn nuôi là hướng đi đúng của các hộ nghèo”.
Tác giả bài viết: XUÂN DŨNG
Ý kiến bạn đọc